Phát triển công nghiệp xanh

- Tuyên Quang có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông lâm sản. Nền công nghiệp xanh này đã mang lại nhiều giá trị cho người dân nhờ có sự liên kết với doanh nghiệp, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa rộng lớn, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch ngành, phát triển vùng nguyên liệu chè, mía, gỗ rừng trồng cho công nghiệp chế biến trong tỉnh. Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta (tháng 9-2020) đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Tuyên Quang xác định phát triển nông lâm nghiệp hàng hóa là khâu đột phá hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đây là điều kiện quan trọng để phát triển công nghiệp chế biến, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân. Chỉ khi có sự bắt tay giữa doanh nghiệp và người dân mới tạo ra giá trị bền vững, hạn chế thấp nhất rủi ro “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của một số nông sản thời gian qua.


Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang tạo việc làm cho trên 2.000 lao động.

Từ sự triển khai một cách bài bản, khoa học các quy hoạch, Tuyên Quang đã phát triển được vùng nguyên liệu mía, chè, gỗ rừng trồng phục vụ cho các nhà máy chế biến nông lâm sản hoạt động hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, phát triển vùng nông lâm nghiệp hàng hóa là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển như công nghiệp chế biến, du lịch trải nghiệm, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Toàn tỉnh hiện có 8.588 ha chè, 3.000 ha mía; trên 140.000 ha gỗ rừng trồng, trong đó có 30.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Bảo đảm nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng để tỉnh ta thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư các nhà máy chế biến nông lâm sản, tạo chuỗi giá trị bền vững, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông lâm sản xứ Tuyên. Toàn tỉnh hiện có 45 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ có đăng ký kinh doanh chế biến, tiêu thụ chè, trong đó có 3 công ty chè lớn chế biến chè xuất khẩu là Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Sông Lô, Mỹ Lâm. Tổng năng lực chế biến 514 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương với trên 16.850 tấn sản phẩm/năm. Thời gian qua, do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới, vùng mía nguyên liệu đã bị sụt giảm nhưng mía vẫn là cây trồng chủ lực, có hợp đồng sản xuất giữa Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương và người trồng mía, do đó không lo về đầu ra cho sản phẩm. Hiện, tỉnh tập trung thâm canh mía chất lượng cao, lấy năng suất bù diện tích bảo đảm hoạt động cho 2 nhà máy chế biến đường.

Với vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng rộng lớn, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản, trong đó có nhiều công ty lớn là Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy gỗ đũa Phúc Lâm (Chiêm Hóa), Nhà máy Giấy đế Na Hang và trên 300 cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ, tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang nhấn mạnh, Tuyên Quang là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích gỗ rừng trồng, do đó Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã quyết định đầu tư 4 nhà máy tại Khu công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) quy mô gần 30 nghìn ha. Các sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang các nước châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Với xu hướng hiện nay sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thì các sản phẩm sản xuất từ gỗ rừng trồng là ưu tiên hàng đầu của các nước có nền kinh tế phát triển. Đây là cơ hội lớn để gỗ rừng trồng Tuyên Quang vươn ra thế giới, trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, tạo ra việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng vạn lao động, từ công nhân các nhà máy đến người dân trồng rừng. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng quy mô các nhà máy thêm 30 ha, đã được tỉnh nhất trí chủ trương đầu tư. Công ty đã hoàn tất các thủ tục, bảo đảm triển khai xây dựng công trình hiệu quả.

Phát triển công nghiệp xanh là hướng đi phù hợp của Tuyên Quang trong hành trình hội nhập và phát triển. Đây còn là cơ hội để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, mở ra tương lai tươi sáng, thực hiện tốt mục tiêu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục