Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng vẫn có kết quả giải ngân tốt. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt với quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện “mục tiêu kép”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố quyết liệt tập trung đầu tư và thực hiện khởi công nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực giao thông, đô thị, để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Kể cả trong thời gian dịch bệnh, vừa chỉ đạo chống dịch, lãnh đạo thành phố vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm từng tuần, từng tháng.

Qua đó, đôn đốc tiến độ, trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh để đẩy nhanh tiến độ công trình. Do vậy, đến hết tháng 8/2021, TP Hải Phòng đã giải ngân được hơn 8.489 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, vốn từ năm 2020 được phép kéo dài sang năm 2021 giải ngân được hơn 1.661 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49,75% so với kế hoạch; vốn kế hoạch năm 2021 thực hiện giải ngân được hơn 6.828 tỷ đồng, đạt 93,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt hơn 45,37% mức kế hoạch UBND thành phố giao.

Tám tháng đầu năm nay, tỉnh Thái Bình đã giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 71% kế hoạch giao. Tỉnh lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan; thường xuyên rà soát tình hình triển khai các dự án để kịp thời có giải pháp chỉ đạo tháo gỡ.

Đến nay, nhiều dự án đạt tỷ lệ giải ngân 100% kế hoạch được giao năm 2021, trong đó một số dự án lớn, trọng điểm đạt tỷ lệ giải ngân hơn 90%. Đơn cử như Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có tỷ lệ giải ngân đạt 91%. Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế biển ven biển phía nam tỉnh Thái Bình (đường 221A), năm 2021 được bố trí 85 tỷ đồng, đến ngày 31/7 đã giải ngân 100% vốn.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công tám tháng đầu năm ở tỉnh Hưng Yên đạt kết quả tích cực, tỉnh đã giải ngân được hơn 2.470 tỷ đồng, đạt 77,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 56,4% kế hoạch địa phương giao. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Văn Diễn cho biết, các dự án do cấp xã quản lý có kết quả giải ngân cao nhất; do nhiều xã, thị trấn thu được tiền từ đấu thầu đất nên chủ động được nguồn vốn thanh toán cho các công trình có khối lượng thi công.

Tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh đến ngày 31/8 đạt 16.654 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 67%, cao hơn so với năm 2020. Nhìn chung nguồn lực phân bổ tập trung cho đầu tư, bảo đảm nhu cầu vốn cho các nhiệm vụ chi, nhất là đối với các dự án quan trọng và động lực.

Tỉnh Bắc Ninh dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng vẫn có kết quả giải ngân tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Ninh đã có 57 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân 100% vốn được phân bổ năm 2021.

Cần quyết tâm cao hơn

Trong khi một số địa phương dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, nhưng vẫn có kết quả giải ngân tốt, thì một số địa phương tuy không chịu nhiều tác động của dịch bệnh, nhưng tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản vẫn thuộc diện thấp nhất cả nước.

Năm 2021, Bắc Kạn được giao vốn ngân sách nhà nước hơn 2.261 tỷ đồng, gồm hơn 541 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và hơn 1.720 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, song đến ngày 31/8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt 17% tổng số vốn đã thanh toán và tạm ứng hơn 498 tỷ đồng, thuộc hàng thấp nhất cả nước.

Nguyên nhân là do hầu hết các dự án của Bắc Kạn đều là khởi công mới, đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và hiện tại rất nhiều dự án vẫn chưa được giao vốn từ Trung ương. Ngoài ra, nhiều dự án phụ thuộc vào tiến độ thu nguồn sử dụng đất (thu tiền cấp quyền sử dụng đất và đấu giá đất để lấy vốn đầu tư) dẫn tới không chủ động được tiến độ giải ngân.

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Bắc Kạn, Võ Quốc Toàn cho biết, kế hoạch vốn nguồn thu từ đất năm 2021 là 51 tỷ đồng, nhưng thành phố mới có 30 tỷ đồng, còn 21 tỷ đồng nữa chưa có vì chưa đấu giá được đất. Chưa kể nguồn vốn giao chậm, lại thay đổi về chính sách tài chính khiến có những dự án đã có vốn về, nhưng vì thời gian còn lại của năm chỉ còn vài tháng nên không thể nào giải ngân hết, buộc phải điều chỉnh giảm.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp còn do hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện dự án. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh Nguyễn Hoàng Dương cho biết, nhiều chủ đầu tư chưa chủ động hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới. Trong năm 2021 có 21 dự án cấp tỉnh khởi công mới, đến nay vẫn còn sáu dự án vẫn chưa hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để khởi công xây dựng; đối với các dự án cấp huyện, đến nay vẫn còn tám dự án vẫn chưa hoàn thiện xong thủ tục khởi công mới.

Tám tháng qua, tỉnh Cao Bằng giải ngân vốn đạt 28,6%, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 40%, do còn hiện tượng có nhà thầu sau khi trúng thầu, triển khai thi công không bố trí đủ máy móc, thiết bị và nhân công nên tiến độ chậm, không bảo đảm cam kết, tiến độ như hồ sơ dự thầu; có đơn vị giám sát chưa kịp thời báo cáo, phối hợp xử lý gói thầu không bảo đảm tiến độ.

Thực hiện Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, các địa phương đều lập kế hoạch tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm, dự án tạo động lực.

Tỉnh Quảng Ninh lập tổ công tác đặc biệt do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Tỉnh phấn đấu chậm nhất ngày 1/1/2022 sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng ba công trình gồm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 và cầu Cửa Lục 3 hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của trục tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. TP Hải Phòng phấn đấu nỗ lực thực hiện mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2021.

Các tỉnh đang có mức giải ngân thấp càng nỗ lực nhiều hơn. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, Trần Công Hòa cho biết, tỉnh thành lập ban chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm, thành lập tổ công tác đôn đốc thực hiện tiến độ giải ngân. Đồng thời, tỉnh ra văn bản giao mốc thời gian, tiến độ cụ thể tới từng ngày cho sáu dự án khởi công mới trong năm 2021. Dự kiến trong tháng 9, tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản của Bắc Kạn sẽ bước vào giai đoạn “bứt tốc”.

Thi công đường kết nối từ trung tâm huyện Na Rì (Bắc Kạn) với huyện Bình Gia và Tràng Định (Lạng Sơn). Ảnh: TUẤN SƠN 

 Với quyết tâm không xảy ra tình trạng phải trả lại vốn đầu tư công do không giải ngân được, tỉnh Cao Bằng thành lập tổ công tác đặc biệt kiểm tra, chỉ đạo, quyết liệt giải quyết vướng mắc giải ngân. Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải báo cáo tiến độ giải ngân theo từng tuần, kịp thời phát hiện những bất cập để tháo gỡ. Chủ đầu tư gắn trách nhiệm cá nhân cho từng cán bộ. Các nhà thầu vi phạm tiến độ sẽ bị xử lý nghiêm; đồng thời sẽ phê bình, xử lý chủ đầu tư, điều chuyển nguồn vốn sang dự án có khối lượng, giải ngân tốt.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục