Cẩn trọng với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

- Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước làm hàng trăm con trâu, bò mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy. Tại tỉnh ta, tuy chưa có trường hợp nào mắc phải, nhưng không vì thế mà lơ là, chủ quan. Hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc đang được các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt.

Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh khoảng 136 nghìn con, trong đó chuỗi trâu, bò thịt đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho nhiều địa phương. Do số lượng vật nuôi khá lớn nên nếu xảy ra dịch bệnh sẽ thiệt hại nặng nề. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lây lan rộng; hướng dẫn triển khai kế hoạch, kỹ thuật tiêm phòng, bảo quản vắc xin... phối hợp với đơn vị cung ứng chuẩn bị đủ vắc xin theo nhu cầu đăng ký của các địa phương. Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và diễn biến phức tạp của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở các khu dân cư để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống dịch bệnh.

Bà Hoàng Thị Gioỏng, thôn Bản Nhùng, xã Năng Khả (Na Hang) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người, mà chủ yếu lây qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve và do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 4 - 14 ngày; tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh 10 - 20% và tỷ lệ chết 1 - 5%. Khi trâu, bò mắc bệnh sẽ có triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 - 5 cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt...

Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, khi biết thông tin ở một số tỉnh có trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục, gia đình bà Hoàng Thị Gioỏng, dân tộc Tày, thôn Bản Nhùng, xã Năng Khả (Na Hang) đã triển khai rắc vôi bột khử trùng chuồng trại để phòng bệnh cho gia súc. Bà Gioỏng chia sẻ, gia đình hiện đang nuôi 8 con bò, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bà đã chủ động các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc, tiêm phòng theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) hiện có trên 1.800 con trâu và gần 500 con bò. Để đảm bảo cho việc chăn nuôi hiệu quả, xã Hùng Mỹ đã thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thành Công với 7 thành viên thực hiện chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Theo ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thành Công, hiện nay các tỉnh tiếp giáp với tỉnh ta như Cao Bằng, Thái Nguyên đã xuất hiện các trường hợp viêm da nổi cục trên đàn gia súc. Ông cũng như các thành viên trong hợp tác xã thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp; tăng cường chế độ chăm sóc, tiêm đầy đủ các loại vắc xin tạo hệ miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi, thu gom, xử lý chất thải, tránh ruồi muỗi mang mầm mống dịch bệnh.

Để phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò có hiệu quả, các hộ chăn nuôi và người dân cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc; khi phát hiện gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh thì phải báo ngay chính quyền và cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh xét nghiệm, để tránh thiệt hại có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục