Cây chuối Kim Bình trước nguy cơ phế canh

- Từng được coi là “thủ phủ” của cây chuối tây, mang lại giá trị kinh tế cao đối với người dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa), thế nhưng, những năm gần đây, nhiều diện tích chuối của bà con xuất hiện bệnh lạ, khiến cây chết hàng loạt, phải chuyển đổi sang trồng các giống cây khác.

Nhiều diện tích đất trước đây được người dân thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) trồng chuối tây,
nhưng nay thay thế bằng trồng các giống cây khác.

Ông Nông Văn Mình, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình cho biết, gia đình ông có 3ha chuối, từ năm 2005 đến 2015 là thời kỳ thịnh vượng của cây chuối, có những thời điểm thương lái thu mua chuối với giá rất cao từ 10.000 nghìn đồng đến 11.000 đồng/kg, trừ chi phí có ngày gia đình ông thu về tiền triệu từ bán chuối. Nhờ trồng chuối gia đình ông có điều kiện phát triển kinh tế, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, vườn chuối của gia đình ông bị bệnh, chết hàng loạt. 

Không chỉ gia đình ông Mình mà tất cả các vườn chuối của bà con trong thôn, trong xã đều xuất hiện hiện tượng vàng lá, thối gốc. Theo ông Mình, cây chuối đang phát triển tốt tự nhiên lá chuyển sang màu vàng và gốc có nhiều sâu đục rồi chết hàng loạt, thậm chí gia đình ông còn phát dọn, đốt thực bì xong trồng lứa chuối mới cũng xảy ra căn bệnh tương tự. Nhìn những vườn chuối chết hàng loạt, đất để không khiến ông thấy xót xa. Với diện tích chuối bị chết, gia đình ông đã cải tạo đất, trồng luân canh cây gỗ mỡ, đến nay, diện tích mỡ của gia đình đang phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập trong những năm tới.

Hiện tượng vàng lá gây nên cây chuối chết dần ở xã Kim Bình (Chiêm Hóa).

Những cây chuối bị nhiễm sâu bệnh.​

Anh Phùng Văn Nguyên, Trưởng thôn Ngọc Quang cho biết, thôn Ngọc Quang là một trong những thôn có diện tích chuối tây lớn nhất xã với gần 100ha. Những năm gần đây, diện tích chuối trên địa bàn xã đã giảm đến 2/3, nguyên nhân diện tích chuối giảm là do bị nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp, khó khăn trong khâu tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 nên người dân chuyển đổi sang trồng các giống cây khác. Đối với diện tích trước đây trồng chuối ở đất ở soi bãi, vùng thấp người dân chuyển sang trồng chanh leo, gấc, gai xanh, chanh tứ mùa. Với diện tích đất đồi người dân chuyển sang trồng các giống cây lâm nghiệp như mỡ, xoan, tre lấy măng. Anh mong muốn, các cấp, các ngành nghiên cứu các chế phẩm sinh học để phun phòng trừ các loại sâu bệnh trên cây chuối để cây chuối thật sự là cây làm giàu, bền vững tại địa phương.

Anh Đinh Văn Chương, thôn Kim Quang cho biết, gia đình anh trồng trên 1,5 ha chuối, trung bình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hiện tại diện tích chuối của gia đình đang bị nhiễm sâu bệnh dẫn đến cây chuối bị mất nước, chết khô, năng suất giảm ảnh hưởng đến thu nhập.

Theo thống kê của chính quyền xã Kim Bình hiện nay, diện tích chuối trên địa bàn xã có khoảng 70% trong tổng số diện tích 400 ha bị nhiễm bệnh và chuối nhiễm bệnh đang có xu hướng tăng lên, trong khi đó bà con hiện vẫn chưa tìm được cách chữa hữu hiệu để cứu vườn chuối của mình.

Người dân xã Kim Bình đưa vào trồng cây chanh leo trên diện tích trước đây được trồng chuối.

Ông Ma Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết, hiện nay, UBND xã đang tuyên truyền cho người dân, sau khi phá bỏ diện tích chuối bị nhiễm bệnh nặng phải cải tạo lại đất; đồng thời trồng các loại cây khác thay thế để một vài năm sẽ tiếp tục trồng chuối. Với những diện tích chuẩn bị trồng mới, yêu cầu bà con khi mua giống, lấy giống cần kiểm tra nguồn gốc, không đưa những giống chuối bị bệnh vào trồng. Đồng thời liên kết với các hợp tác xã bao tiêu, đưa vào trồng các giống cây như gai xanh, gấc, chanh leo để bà con đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình.

Để cây chuối phát triển tốt, tạo sinh kế bền vững cho người dân, mong rằng các cơ quan chuyên môn sớm đưa ra được các biện pháp phù hợp giúp người dân phòng, chống dịch bệnh hiệu quả để cây chuối trở thành cây trồng chủ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục