Cây vụ đông xanh mướt ruộng đồng

- Với phương châm thu hoạch lúa mùa đến đâu, triển khai làm đất, gieo trồng cây vụ đông đến đó để tranh thủ thời tiết thuận lợi sau nhiều đợt mưa kéo dài; những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đang tranh thủ ra đồng làm đất, trồng các loại rau màu ưa lạnh và chăm sóc cây trồng vụ đông.

Cánh đồng thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) phủ kín cây trồng vụ đông.

Cây trồng phụ, thu nhập chính

Tranh thủ thời tiết thuận lợi bà Trần Thị Nụ, thôn Hưng Thịnh, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) xuống đồng làm cỏ cho 5 sào tỏi của gia đình. Bà Nụ cho biết, gia đình đã nhiều năm trồng tỏi vụ đông, đầu tháng 10 khi thu xong diện tích lúa mùa, gia đình làm đất trồng tỏi cho đến tháng 2 sang năm là cho thu hoạch, bình quân 1 sào trồng tỏi sẽ cho thu 250 kg tỏi khô, bán với giá 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi sào thu lãi 10 triệu đồng.

Đồng chí Đinh Mạnh Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hưng Thịnh cho biết, 40 hộ dân trong thôn duy trì trồng tỏi vụ đông đã từ nhiều năm nay, theo đánh giá của khách hàng tỏi trồng tại đồng đất thôn Hưng Thịnh có chất lượng tốt, tỏi tiêu thụ dễ, giá ổn định. Ban đầu, bà con chỉ tập trung trồng chủ yếu tại cánh đồng Cầu Ván với diện tích hàng năm 3 ha, do hiệu quả kinh tế cao nên vụ đông năm nay đã mở rộng diện tích lên 4,5 ha. Hiện cây tỏi đang trong quá trình bén rễ, người dân tập trung làm cỏ, bón phân để tỏi phát triển tốt.

Đã nhiều năm nay gia đình bà Ma Thị Giáo, thôn Bản Piát, xã Thổ Bình (Lâm Bình) trồng 2.000 m2 lạc  vụ đông giống L14.  Bà Giáo cho biết, vụ đông là trồng lạc giống cho sản vụ tới nên việc chăm sóc, phòng sâu bệnh cho lạc rất quan trọng. Lạc vụ đông tuy năng suất không cao nhưng giá bán cao gấp 2 lần so với lạc mùa, giá lạc giống hàng năm ổn định ở mức hơn 20.000 đồng/kg. Bình quân mỗi 1.000 m2 cho thu 300 kg lạc khô. Chỉ với 2.000 m2 lạc vụ đông, gia đình thu lãi 12 triệu đồng.

Dưa chuột của người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) được HTX chăn nuôi và sản xuất giống
 gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương) thu mua tại thôn.

Liên kết sản xuất nâng cao thu nhập

Ông Nguyễn Mạnh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện đã trồng được hơn 13.190 ha cây vụ đông, trong đó có hơn 8.538 ha cây ngô, còn lại là diện tích cây khoai lang và rau đậu các loại. Điểm mới trong sản xuất vụ đông năm nay là người dân đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong bao tiêu sản phẩm vụ đông, tập trung sản xuất chuyên canh, lựa chọn các giống cây phù hợp nhằm nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích như cây: Dưa chuột, lạc, ngô sinh khối, bí xanh, cà chua...

Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng; hướng dẫn sử dụng phân bón cho các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, tình hình sinh trưởng phát triển của từng loại cây. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng, cùng nhân dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng trừ sinh vật hại; chủ động cung ứng đủ về cơ cấu giống và đảm bảo về chất lượng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp cho nhân dân.

Đã nhiều năm nay, vụ đông được coi là vụ chủ lực của người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) với mức thu nhập bình quân mỗi sào đạt 5 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên Vũ Mạnh Đoàn cho biết, đến thời điểm này xã Yên Nguyên đã trồng được 325,2 ha cây vụ đông, trong đó có hơn 253 ha ngô, 5 ha khoai lang và 66,5 ha cây rau đậu các loại. Năm nay, người dân trong xã liên kết sản xuất một số loại cây trồng, trong đó có 18 ha dưa chuột liên kết với HTX nông lâm nghiệp Yên Nguyên và 80 ha cây ngô sinh khối liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hoàng. Nghỉ tay hái dưa chuột chị Hoàng Thị Hoa, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên chia sẻ “Mỗi ngày hơn 100 kg quả dưa chuột của gia đình đều được  công ty đến tận thôn thu mua với giá 9.000 đồng/kg, so với trồng cây trồng khác thì dưa cho năng suất, hiệu quả kinh tế hơn nhiều, hơn nữa đầu ra ổn định do có HTX Nông lâm nghiệp Yên Nguyên bao tiêu nên chúng tôi rất yên tâm”.

Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chăm sóc dưa chuột vụ đông.  Ảnh: Cao Huy

Đây là năm thứ 2 gia đình chị Hoa trồng dưa chuột, vụ trước gia đình trồng thử nghiệm 360 m2 dưa chuột, nhận thấy hiệu quả gia đình mở rộng diện tích. Theo chị Hoa, cuối tháng 9 khi thu xong diện tích lúa mùa gia đình tiến hành làm đất trồng dưa chuột, chỉ sau 40 ngày dưa đã bắt đầu cho thu lứa quả bói và kết thúc vụ trong vòng 2 tháng. So với các vụ trong năm thì vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Vũ Xuân Tuyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Khoai cho biết, vụ đông năm nay thôn có 30 ha cây vụ đông, ở thôn đã không còn diện tích đất trống. Trong đó có 5 ha dưa chuột liên kết với HTX Nông lâm nghiệp Yên Nguyên. Đặc biệt, HTX cung ứng giống, phân bón theo hình thức trả chậm và cam kết thu mua cho người dân. Hiện dưa đã cho thu hoạch, mỗi ngày người dân trong thôn thu hái được từ 15 - 20 tấn dưa.

Vụ đông là vụ sản xuất có thời gian ngắn, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân đa dạng các loại cây trồng, có giá trị thu nhập cao, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai. Đặc biệt, năm nay, trong điều kiện chịu tác động của dịch COVID-19, thắng lợi trong sản xuất vụ đông càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Chính vì vậy, không chỉ nỗ lực hoàn thành mục tiêu về diện tích, ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng đang chú trọng nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất vụ đông. Qua đó, đưa vụ đông thực sự là vụ sản xuất chính, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục