Chủ động phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi

- Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 19 đến 23-2 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh cường độ rất mạnh. Đây được coi là đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ đầu mùa đông với nền nhiệt giảm sâu, vùng núi có thể xuống dưới 10 độ C gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó, duy trì sản xuất ổn định.

Chống rét cho diện tích lúa xuân

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 17.000/18.487,4 ha lúa xuân. Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, qua kiểm tra tiến độ gieo cấy vụ xuân và phòng chống rét cho cây trồng, cơ bản các diện tích lúa đã cấy đầy đủ nước dưỡng. Tuy nhiên, tại một số chân ruộng cao có hiện tượng lúa trắng cây do thiếu nước dưỡng. Do đợt không khí lạnh trong 1-2 ngày tới có cường độ mạnh nên chi cục khuyến cáo người dân tạm dừng cấy, tập trung chăm sóc phòng chống rét cho các diện tích lúa non mới cấy theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Ông Hoàng Ánh Dương, thôn 14, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, gia đình đã cấy được 3 sào, còn 2 sào chưa cấy. Qua theo dõi dự báo thời tiết trong 1-2 ngày tới không khí lạnh tăng cường nhiệt độ giảm sâu, gia đình quyết định dừng cấy diện tích còn lại, chuẩn bị bạt che chắn số mạ còn lại chờ qua đợt rét sẽ tiếp tục cấy.

Đoàn công tác của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây lạc
 tại xã Phúc Sơn (Lâm Bình).

Nhằm chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại xảy ra trong những ngày tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đã  hướng dẫn các địa phương phương án bảo vệ cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa xuân vừa gieo cấy. Cụ thể, với cây lúa xuân, khi xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 15 độ C tuyệt đối không cấy. Đối với mạ đã gieo, phải che phủ kín bằng nilon trắng cho 100% diện tích, bón bổ sung tro bếp trên mặt luống để giữ ấm cho mạ. Với phần dược mạ non, phải đảm bảo giữ đủ ẩm cho mạ, giữ nước xăm xắp mặt ruộng, khi dược mạ đã lên xanh tốt cần giữ nước ngập 1/3-1/2 cây mạ. Mạ sân cần tưới ẩm, tuyệt đối không để mạ bị khô hạn.

Khi nhiệt độ tăng lên trên 15 độ C, cần kiểm tra lại các diện tích đã gieo cấy, nếu ảnh hưởng phải có phương án cấy dặm hoặc gieo lại. Nếu không bị ảnh hưởng thì chăm sóc kịp thời kết hợp bón phân kali, phân lân (không bón phân đạm), kết hợp duy trì mực nước trên ruộng hợp lý để lúa sinh trưởng thuận lợi, đẻ nhánh sớm, không để ruộng lúa bị hạn.

Với diện tích mạ đã gieo, khi nhiệt độ lên trên 15 độ C, có thể mở 2 đầu luống cho thoáng nhưng không được mở hoàn toàn, tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng... 

Đối với rau màu, trong thời gian rét đậm, rét hại, khi thời tiết dưới 15 độ C cần tập trung thu hoạch đối với các diện tích đã đến hoặc gần đến kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng, không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại.

Đưa gia súc về chuồng chăm sóc

Nền nhiệt giảm sâu gây ảnh hưởng không nhỏ đến đàn gia súc, gia cần trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có hơn 93.570 con trâu, hơn 36.700 con bò, 520.350 con lợn và hơn 6,4 triệu con gia cầm. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong đợt rét đậm rét hại sắp tới các biện pháp phòng chống rét đang được các địa phương khẩn trương triển khai.

Người dân xã Bình An (Lâm Bình) bổ sung thức ăn xanh và tinh bột tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Theo ông Hoàng Văn Tài, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình, ngay sau khi nắm được thông tin về đợt rét đậm, rét hại trong vài ngày tới nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến đàn vật nuôi trên địa bàn, phòng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng và vật nuôi, trong đó vận động người chăn nuôi không thả rông gia súc trong những ngày nền nhiệt giảm sâu. Củng cố, che chắn chuồng trại, thu dọn vệ sinh để giữ khô nền chuồng và sử dụng rơm, rạ làm đệm ủ ấm cho vật nuôi. Đồng thời, tuyệt đối không đưa trâu, bò đi chăn thả hoặc đi làm khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C; cung cấp đủ thức ăn thô xanh, thức ăn tinh cho vật nuôi, bổ sung muối, khoáng và vitamin khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Cùng với đó, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi tẩy ngoại, nội ký sinh trùng và tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin dịch bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và dịch tả cho trâu, bò. Chú ý bệnh mới viêm da nổi cục trên đàn gia súc ăn cỏ để có biện pháp phòng chống kịp thời.

Ông Ma Công Long, Giám đốc HTX nông nghiệp xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, để bảo vệ đàn trâu, bò của HTX trong đợt rét đậm rét hại sắp tới, HTX đã nhắc nhở các thành viên chuẩn bị thức ăn xanh, tinh bột, muối để chăm sóc trong những này rét. Đồng thời, khẩn trương quây kín chuồng trại chăn nuôi giữ ấm cho đàn vật nuôi. 

Ngay khi nhận được thông tin 1-2 ngày tới sẽ có đợt rét đậm, rét hại gia đình ông Lý Văn Hùng, thôn Khuôn Thẳm, xã Tân Mỹ (Chiêm Hoá) đã đưa 5 con trâu chăn thả trên rừng về chuồng, thực hiện che bạt kín khu chuồng nuôi, gia đình đã chuẩn bị củi để đốt sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Đồng thời, chuẩn bị bao tải gai, bao tải dứa để "may áo" chống rét cho đàn vật nuôi.

Ngành nông nghiệp tỉnh hiện đang tích cực cập nhật tình hình thời tiết, triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Cùng với chính quyền và ngành chức năng, người dân cần chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi của gia đình mình.                                                                

   Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục