Chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi

- Nhằm chủ động ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, những ngày này, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đang được các cấp chính quyền, ngành chức năng và nhân dân tích cực triển khai thực hiện. Đây được xem là một trong những giải pháp phòng bệnh hiệu quả trên đàn gia súc, gia cầm.

Hiện nay, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) đang tích cực tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại các thôn. Đồng chí Hà Văn Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, để thực hiện hiệu quả tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng, xã thành lập 11 tổ, mỗi tổ gồm 3 người tổ chức phun tại 11 thôn. Trước khi phun, các hộ chăn nuôi phát dọn vệ sinh xung quanh chuồng trại, khơi thông cống rãnh, quét dọn, thu gom phân rác, chất thải để đốt hoặc dùng chế phẩm vi sinh để ủ hoai mục. Thực hiện phun tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần, rắc vôi thường xuyên lối đi lại khu vực chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc... 

Đội phun thuốc của xã Kim Quan (Yên Sơn) phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại thôn Kim Thu Ngà.

Hưởng ứng tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng năm nay, gia đình anh Đinh Văn Ủy, thôn Nà Bó, xã Phú Bình tích cực vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, bổ sung chế độ ăn hợp lý cho đàn trâu của gia đình. Anh Ủy cho biết, ngoài tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho 15 con trâu, anh còn chủ động mua thuốc sát trùng về để phun toàn bộ chuồng trại với tần suất 1 lần/tuần.  Đồng thời, thường xuyên quét dọn, thu gom chất thải, phát quang bụi rậm xung quanh chuồng trại chăn nuôi. Nhờ đó, những năm gần đây đàn trâu của anh phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh.

Tại xã Thiện Kế (Sơn Dương) công tác vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi đang được chính quyền, ngành chức năng và nhân dân tích cực triển khai thực hiện hiệu quả nhằm bảo vệ đàn vật nuôi. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay, xã đã cấp hơn 30 lít hóa chất sát trùng cho 14 thôn. Thông qua hệ thống loa phát thanh, UBND xã khuyến cáo các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, mua thêm vôi bột rắc xung quanh khu vực chăn nuôi, hố phân, để tiêu diệt các mầm bệnh. Đối với các chợ bán thịt gia súc, gia cầm sống, xã chỉ đạo các hộ kinh doanh buôn bán chủ động phun thuốc sát trùng trước và sau mỗi buổi chợ. Nhờ làm tốt công tác tiêu độc khử trùng, đến nay, các ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn xã đã cơ bản được khống chế.

Hiện toàn tỉnh có trên 91 nghìn con trâu, trên 37 nghìn con bò, gần 600 nghìn con lợn và khoảng 7 triệu con gia cầm. Trong những tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện đang là thời điểm giao mùa, sức đề kháng của vật nuôi giảm nên nguy cơ nhiễm bệnh và khả năng bùng phát dịch bệnh là rất cao. Vì vậy, việc vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi được xem là biện pháp hữu hiệu để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, cắt đứt được vòng truyền lây nhiễm mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi, hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng.        

 Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục