Đảm bảo nguồn cung thực phẩm cuối năm

- Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến lĩnh vực chăn nuôi. Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường phục vụ người dân trong mọi hoàn cảnh, nhất là vào dịp cuối năm 2021, cũng như Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xa... triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thúc đẩy việc tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn.

  Đàn bò của anh Nguyễn Công Nghiệp, Giám đốc HTX chăn nuôi đại gia súc Nghiệp Thành
 đang được vỗ béo cung cấp thương phẩm dịp cuối năm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 100 doanh nghiệp, HTX trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Sản lượng từ các trang trại này cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh. 

HTX nông sản sạch Minh Khương (Hàm Yên) duy trì trên 100 con lợn thương phẩm theo hướng an toàn dịch bệnh. Anh Mai Văn Phi, Giám đốc HTX cho biết, từ nay đến cuối năm, HTX có lợn sạch cung ứng ra thị trường với khoảng từ 3 - 5 tấn lợn hơi mỗi tháng. Giá bán lợn hơi của HTX luôn ở mức 53 - 55 nghìn đồng/kg. Lợn được giết mổ ngay tại hợp tác xã và cấp theo đơn đặt hàng của các nhà hàng tại thành phố Tuyên Quang và Hà Nội với giá dao động từ 120 nghìn - 130 nghìn đồng/kg.

Cũng ở Hàm Yên, HTX chăn nuôi đại gia súc Nghiệp Thành, xã Tân Thành nuôi  150 con bò, trâu với 15 hộ thành viên. Anh Nguyễn Công Nghiệp, Giám đốc HTX cho biết: Riêng hộ gia đình anh đã nuôi 20 con bò vỗ béo, chủ yếu phục vụ thị trường cuối năm. Vì bán thời điểm cuối năm thường được giá hơn. Trước chưa thành lập HTX, anh bán cho thương lái, còn giờ anh có thể bán cho nhiều nơi, nhất là những nơi minh bạch về nguồn gốc vì có con dấu, hóa đơn đầy đủ. Mỗi năm từ chăn nuôi, gia đình anh thu lãi khoảng 130 triệu đồng. Năm nay, đàn vật nuôi của HTX dự kiến xuất bán đợt Tết Nguyên đán giao động từ 60 - 80 con.

Trang trại chăn nuôi lợn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh của ông Lương Văn Kỳ, thôn Cây Quýt 2, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) duy trì 30 lợn nái, 200 con lợn thịt/lứa. Theo đó, toàn bộ nguồn thức ăn được phối trộn theo công thức 70% là tinh bột, cá, 30% cám công nghiệp, không chất kháng sinh, bảo đảm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Hai tháng cuối năm là thời điểm trang trại cung cấp nhiều nhất trong năm, dự kiến khoảng 8 - 12 tấn/tháng.

Được coi là “rốn” chăn nuôi của tỉnh, huyện Sơn Dương, việc tái đàn cung ứng thịt gia súc, gia cầm cuối năm được các trang trại, hộ chăn nuôi thực hiện. Anh Nguyễn Trọng Hữu, thôn Văn Bảo, xã Sơn Nam nuôi mỗi lứa 100 con lợn. Đợt vừa rồi lợn xuống thấp, không có lãi nhưng anh tiếp tục tái đàn để có lợn thương phẩm bán cuối năm. Anh Hữu cho biết, chăn nuôi phải kiên trì, chứ khó mà bỏ luôn thì không phát triển được. Doanh thu từ đầu năm đến giờ được khoảng 500 triệu đồng. Theo anh Hữu, con lợn nhạy cảm với các loại dịch bệnh nên công tác phòng dịch hết sức khắt khe, nếu không có thể trắng tay ngay. Anh hy vọng lứa cuối năm sẽ kéo lại cả năm.

Gần đó, gia đình bà Lục Thị Sáu đang vào lứa gà đón dịp cuối năm. Bà Sáu khẳng định nuôi gà nếu giá trên 50 nghìn đồng/kg là lợi nhuận đảm bảo. Từ năm 2020 đến nay, giá gà có hơi thấp do nhu cầu giảm nên gia đình đình cũng chưa mở rộng thêm khu chuồng trại mà chỉ chăn nuôi ổn định từ 6.000 - 7.000 con/lứa ở 3 khu chuồng. Phát triển chăn nuôi, gia đình bà Sáu giải quyết việc làm cho 5 lao động trong gia đình.

Đàn lợn của HTX nông sản sạch Minh Khương (Hàm Yên) cung ứng thương phẩm dịp cuối năm.

Với hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhiều trang trại ở huyện Sơn Dương tiếp tục sản xuất ổn định. Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung - một trong những  HTX chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh, cho biết: Mặc dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực, song trang trại của gia đình ông vẫn duy trì hoạt động ổn định. Sản phẩm có tem nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ nên trung bình mỗi tháng trang trại bán ra thị trường gần 2.000 con lợn thịt (tương đương trên 200 tấn lợn hơi), phục vụ thị trường cuối năm trên 1.500 con (tương đương 150 tấn lợn hơi).

Bà Lưu Anh Đào, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn Dương cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 9, việc chăn nuôi chủ yếu vẫn tập trung ở các trang trại lớn, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn. Nhưng bắt đầu từ tháng 10 trở lại đây, các hộ chăn nuôi nhỏ cũng đã bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, các hộ này vẫn tương đối dè chừng thị trường tiêu thụ hẹp và tình hình dịch bệnh tả lợn châu phi diễn biến phức tạp. Theo thống kê hết tháng 8-2021, tổng đàn lợn của Sơn Dương hiện đạt khoảng 118 nghìn con. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng đàn lợn trên địa bàn sẽ tăng khoảng 25 - 30% so với thời điểm đầu năm.     

Bà Nguyễn Thị Mai Lan, Phó Trưởng phòng chăn nuôi, thủy sản, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản nông thôn, thông tin: Mặc dù chăn nuôi và cung ứng sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với những “vùng xanh” ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với các địa phương hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi vừa phòng, chống dịch, vừa gia tăng sản xuất nhằm ổn định tổng đàn. Vì vậy, đến hết tháng 10-2021, đàn trâu đạt 92.000 con; đàn bò đạt gần 37.000 con, đàn lợn đạt khoảng 544.000 con (tăng 3% so với cùng kỳ 2020), đàn gia cầm 6,5 triệu con (tăng 8%)… Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tái đàn, tăng đàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chuẩn bị nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm.

Ông Đào Duy Quý, Phó Chi cục  trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết, Chi cục đã tham mưu cho Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh, tăng đàn vật nuôi ở các trang trại, gia trại có điều kiện phòng dịch bệnh tốt để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, nhất là dịp cuối năm.    

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục