Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, làm vụ đông

- Bà con nông dân khắp các địa phương trong tỉnh đang hối hả thu hoạch lúa mùa, theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu tổn thất khi mưa bão cuối mùa liên tiếp xuất hiện. Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa cũng là để giải phóng đất trồng cây vụ đông, bảo đảm an ninh lương lực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp.

Xanh nhà hơn già đồng

Khẩn trương, nhộn nhịp là không khí lao động của hầu hết nhà nông tại thời điểm này. Trên những cánh đồng người, máy gặt hối hả chạy đua với thời gian để thu hoạch lúa mùa sớm, nhanh chóng giải phóng đất để làm đông.

Tranh thủ mấy ngày nắng ráo, gia đình chị Sầm Thị Hường, thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) huy động đông đảo nhân lực để tập trung thu hoạch 3 sào lúa mùa. Ôm bó lúa vàng óng nặng trĩu trên tay, chị Hường phấn khởi bảo, suốt từ lúc gieo cấy đến lúa trỗ thời tiết rất ít mưa, tuy nhiên đến thời điểm thu hoạch lại mưa nhiều hơn. Lo ngại mưa lớn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng thóc nên khi lúa chín gia đình tập trung thu hoạch ngay. Năm nay lúa được mùa, bông to, chắc hạt, phơi khô, quạt sạch cầm chắc 2,3 tạ/sào.

Cũng trên cánh đồng xã Yên Nguyên, tại thôn Cầu Cả, lúa chín đến đâu bà con đổi công gặt hết đến đó, nhờ vậy tiến độ thu hoạch được đẩy nhanh hơn rất nhiều. Bà Vũ Thị Bình hồ hởi bảo, gia đình bà có 1 bung lúa tương đương với gần 3 sào, bà con đổi công trong buổi sáng gia đình đã gặt xong. Thu hoạch xong, tranh thủ thời tiết nắng ráo bà lên luống trỉa ngô đông luôn.

Người dân xã Ninh Lai (Sơn Dương) ứng dụng cơ giới hóa đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa.

Trên khắp các cánh đồng xã Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam (Sơn Dương) những chiếc máy gặt đập liên hoàn chạy rầm rập thay thế sức lao động của người nông dân trong khâu thu hoạch. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết, việc thu hoạch lúa của bà con nông dân hiện nay chủ yếu do máy gặt đảm nhiệm nên tiến độ thu hoạch rất nhanh, chỉ vài ba ngày là hoàn thành.

Ông Dương Văn Quyền, thôn Thai Bạ, xã Thiện Kế phấn khởi cho biết, tháng 9 mưa bão nhiều lại đúng vào thời điểm lúa chín, những năm trước không gặt kịp lúa đổ, thóc rơi rụng nhiều. 3 năm nay gia đình ông Quyền thực hiện đúng phương châm “xanh nhà hơn già đồng” thuê dịch vụ máy gặt, chi phí 120 nghìn đồng/sào, nhanh, gọn. Máy gặt xong, sàng muổi, đóng bao, ông Quyền chỉ việc chở lúa về nhà nên đã giảm được rất nhiều tổn thất.

Kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hầu hết diện tích lúa mùa của tỉnh bước vào giai đoạn vào chắc, chín. Đến ngày 18-9 đã có 1.000 ha lúa mùa tại các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Sơn Dương được thu hoạch, chưa ghi nhận tổn thất do thiên tai. Đánh giá sơ bộ tại đồng ruộng, lúa vụ mùa năm nay cứng cây, chắc bông rất thuận lợi để bà con nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch, năng suất ước đạt 2,4 - 2,5 tạ/sào, cá biệt có cánh đồng năng suất lúa ước đạt 2,7 tạ/sào. Dự tính từ nay đến trung tuần tháng 10 có trên 10.000 ha lúa mùa được thu hoạch. 

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Tuyên Quang, từ nay đến hết tháng 9 khả năng có 2 - 3 đợt mưa lớn trên diện rộng và kéo dài trùng với thời điểm lúa thu hoạch rộ. Để bảo vệ năng suất, sản lượng lúa mùa bà con thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành Nông nghiệp “xanh nhà hơn già đồng”, khi lúa chín trên 80% có thể thu hoạch để hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết, dịch hại và rơi dụng, bảo đảm giải phóng đất, gieo trồng cây vụ đông lấy hạt.

Linh hoạt phát triển cây trồng vụ đông 

Kế hoạch sản xuất cây vụ đông năm nay được nhận định sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông của tỉnh ta bị thu hẹp. Điều này tác động không nhỏ đến tâm lý, kế hoạch sản xuất của người nông dân trong vụ đông sắp tới.

Ngay tại các xã có truyền thống trồng cây vụ đông như Yên Nguyên, Hòa Phú (Chiêm Hóa); Thái Hòa (Hàm Yên); Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam (Sơn Dương); Hoàng Khai, Chân Sơn (Yên Sơn)... bà con đang rất lấn cấn trong việc tìm đối tượng cây trồng trong vụ đông năm nay. Ông Trần Quang Thon, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chia sẻ, vụ đông những năm trước gia đình trồng ớt để bán tại thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, thời điểm này Hà Nội vẫn đang giãn cách, ông lo ngại trồng ớt ra không bán được sẽ mất công, thiệt hại kinh tế. Ông Thon tính sẽ quay về trồng ngô lấy hạt để đầu tư chăn nuôi.

Duy trì sản xuất, tạo ra nguồn nông sản hàng hóa đủ cung ứng thị trường, giữ ổn định thu nhập cho bà con nông dân, đảm bảo an ninh lương thực trong những thời điểm khó khăn nhất hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông. Theo đó, các địa phương căn cứ vào điều kiện sản xuất, nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường, các địa phương bố trí kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng, thời vụ trồng cho phù hợp. Tuyệt đối không sản xuất ồ ạt cùng loại sản phẩm, chỉ gieo trồng khi có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm; bố trí cơ cấu từng trà, lứa cho phù hợp để rải vụ thu hoạch đảm bảo vừa tiêu thụ hết hàng hóa vừa kịp giải phóng đất để sản xuất.

Về phần canh tác, bà con nên áp dụng biện pháp kỹ thuật làm đất tối thiểu, trồng cây trong bầu, sử dụng giống ngắn ngày để đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ đông. Đối với diện tích lúa mùa thu hoạch sau ngày 25-9, tiếp tục thực hiện mở rộng diện tích trồng ngô làm thức ăn cho gia súc, cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục