Giá lợn lao dốc, người chăn nuôi thận trọng

- Theo những người chăn nuôi, giá lợn đang ở mức thấp nhất trong 2 năm qua, trong khi giá thức ăn vẫn không ngừng tăng. Khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người chăn nuôi cần thận trọng.

Phản ánh từ các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Sơn Dương, giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất trong 2 năm qua. Bà Nguyễn Thị Thịnh, chủ trang trại chăn nuôi lợn VietGAP thôn Cây Xy, xã Cấp Tiến cho biết, lợn siêu nạc trang trại thời điểm này năm ngoái là 85.000 đồng/kg nhưng năm nay giá tụt xuống 55.000 đồng/kg. Như vậy mỗi tạ lợn hụt mất 3 triệu đồng. Với giá như hiện nay, chủ động được con giống như trang trại của bà Thịnh vẫn có lãi nhưng chỉ ở mức rất thấp.  

Anh Vi Văn Hạnh, thôn Soi Đúng, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) dừng kế hoạch mở rộng quy mô đàn lợn do giá xuống thấp.

Giá lợn lao dốc liên tục khiến ông Vi Văn Hạnh, thôn Soi Đúng, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) phải dừng kế hoạch mở rộng quy mô đàn. Ông Hạnh cho biết, lợn hơi giữ giá 83.000 - 85.000 đồng/kg như thời điểm năm 2020, trừ chi phí sẽ có lãi từ 2,5 - 3 triệu đồng/con sau 4 tháng chăn nuôi nhưng với giá như hiện nay thì lỗ vốn. Ông Hạnh tính, 1 con lợn đạt trọng lượng 1,1 tạ, phải chi hết 3,6 triệu tiền cám, tiền giống (thời điểm tháng 3 năm nay) hết 2,6 triệu đồng, khoảng 350.000 đồng tiền điện, nước, nhân công, giá bán 53.000 - 55.000 đồng/kg, lỗ 450.000 đồng/con.

Anh Phạm Ngọc Toàn ở xã Thái Sơn, đầu mối thu mua lợn tại huyện Hàm Yên khẳng định, giá lợn hơi xuống thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó tác động lớn nhất là dịch bệnh Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, 1 số khu, cụm công nghiệp hoạt động ở mức thấp, chưa kể hoạt động nhà hàng, khách sạn dừng, giãn; thị trường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gần như đóng băng. Theo anh Toàn, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trước đây mỗi ngày anh đổ mối cho các lò mổ tại Hà Nội, Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận 15 - 20 tấn lợn hơi, tuy nhiên thời điểm này mỗi ngày chỉ được 5 - 7 tấn. Riêng thị trường Trung Quốc gần như đóng băng hoàn toàn.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến xấu kéo theo sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được, trong khi giá thức ăn lên cao nhất từ trước đến nay đã ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Anh Vũ Tiến Mạnh, nhân viên kinh doanh Công ty Masan meat Life (nhãn hiệu Con cò) tại thị trường Tuyên Quang cho biết, dịch bệnh bùng phát ở nhiều quốc gia khiến hoạt động nhập khẩu nguồn nguyên liệu chế biến của công ty bị ảnh hưởng. Thiếu hụt nguồn nguyên liệu buộc công ty phải nhập lại, đây là nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi của hãng phải điều chỉnh theo chiều hướng tăng. Trung bình mỗi bao cám trọng lượng từ 25 - 40 kg đã tăng khoảng 60.000 - 70.000 đồng so với năm 2020.  

Để ổn định sản xuất, ngày 9-8-2021, UBND tỉnh có Công văn số 2796/UBND-NLN về việc tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất thủy sản, chăn nuôi các tháng cuối năm 2021, trong đó có chăn nuôi lợn. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố thống kê hoạt động sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm có sản lượng lớn (qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi…); liên hệ, kết nối với các địa phương có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để thiết lập và duy trì các kênh phân phối sản phẩm đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Mạng lưới chăn nuôi - thú y tạo điều kiện cho việc kiểm dịch động vật, vận chuyển, đề xuất phương án tổ chức giết mổ, cung ứng động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 và an toàn dịch bệnh; thực hiện kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh tham gia hỗ trợ thu mua, vận chuyển, tạm trữ... để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, thời điểm này đang là cao điểm tái đàn, trong đó có chăn nuôi lợn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lớn của thị trường vào dịp cuối năm, tuy nhiên hiện đàn lợn thịt của tỉnh vẫn còn tương đối lớn trong khi sức tiêu thụ bị hạn chế. Ông Khoa khuyến cáo, dịch bệnh Covid-19 vẫn rất khó lường, người chăn nuôi cần thận trọng, có phương án, kế hoạch sản xuất phù hợp, giữ ổn định quy mô chăn nuôi, không nên tái đàn ồ ạt; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp phối trộn làm thức ăn để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả trong chăn nuôi.        

 Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục