Giá thức ăn lên cao, người chăn nuôi gặp khó

- Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung tái đàn, tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao khiến các trang trại, gia trại gặp nhiều khó khăn để tái đầu tư.

Theo các đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh từ tháng 11-2020 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã 6 lần điều chỉnh tăng giá. Anh Vũ Tiến Mạnh, nhân viên kinh doanh Công ty Masan meat Life (nhãn hiệu Con cò) tại thị trường Tuyên Quang cho biết, bình quân mỗi bao cám trọng lượng từ 25 - 40 kg đã tăng khoảng 60.000 - 70.000 đồng so với năm 2020. Cụ thể, 1 bao thức ăn hỗn hợp dạng hạt cho gia cầm tuổi từ 0 - 22 ngày, trước chỉ có giá 260.000 đồng, tuy nhiên hiện nay đã tăng lên 330.000 đồng. Anh Mạnh cho biết, giá này chỉ áp dụng đối với đại lý phân phối cấp I, đối với đại lý cấp II, cấp III giá có thể có sự chênh lệch nữa.

Anh Vũ Tiến Mạnh, nhân viên kinh doanh Công ty Masan meat Life (nhãn hiệu Con cò) tư vấn cho người chăn nuôi sử dụng cám tiết kiệm mà vẫn đem lại hiệu quả.

Không những giá thức ăn công nghiệp tăng cao, giá thức ăn nguyên liệu tại địa phương như ngô, lúa, sắn cũng có xu hướng tăng. Bà Bùi Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Liên Hiệp, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang), một trong những HTX kinh doanh, chế biến thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu tại địa phương cho biết, hiện giá ngô, lúa đã tăng từ 

2 - 3 nghìn đồng/kg so với cuối năm 2020. Ngô hạt cuối năm 2020 chỉ ở mức 6 nghìn đồng/kg thì nay đã tăng lên 8 nghìn đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cộng với giá con giống cũng tăng mạnh khiến các trang trại, gia trại muốn tái đàn hoặc mở rộng quy mô cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.

Một số thành viên của Hợp tác xã gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương) phải tạm gác lại kế hoạch tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao trong khi thị trường tiêu thụ gà thịt chậm. Anh Phạm Văn Hợi, Giám đốc HTX cho biết, hiện HTX anh đang nhập thức ăn cho gà là 11.600 đồng/kg cao hơn 800 - 1.000 đồng so với thời điểm cùng thời điểm này năm ngoái. Anh Hợi tính, 1 con gà kể từ khi bóc trứng đến lúc đạt trọng lượng 1,8 - 2,5 kg xuất chuồng tiêu thụ từ 7,5 - 8,5 kg cám, giá cám như hiện nay chi phí đầu vào sẽ mất khoảng 90.000 đồng, chưa kể vắc xin tiêm phòng, trong khi giá bán gà thịt 46.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ nặng. Đây là nguyên nhân khiến 4/10 trang trại, gia trại là thành viên HTX phải dừng tái đàn, số còn lại cũng chỉ tái đàn bằng 50 - 60% quy mô nuôi.

Ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Quản lý thuốc và Thức ăn chăn nuôi, Chi cục  Chăn nuôi và Thú y nhận định rằng, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho việc nhập nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp bị hạn chế. Giảm chi phí đầu vào, người chăn nuôi có thể sử dụng cám gạo, ngô, sắn phối trộn để thay thế cám công nghiệp. Ông Sơn nhấn mạnh, khi tự trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm người chăn nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật phối trộn, lựa chọn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, xác định được tỷ lệ dinh dưỡng đối với từng loại vật nuôi ở các giai đoạn khác nhau nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng, đảm bảo cho vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Hiện tại, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai các mô hình chuyển giao kỹ thuật phối trộn thức ăn từ nguồn nguyên liệu tại địa phương và các sản phẩm phụ trong sản xuất cho các hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng theo hình thức vỗ béo; nuôi gà an toàn sinh học nhằm giúp người chăn nuôi giảm chi phí đầu vào tăng hiệu quả kinh tế.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục