Hàm Yên thắng lợi vụ cam

- Niên vụ cam sành năm 2021 - 2022, người trồng cam trên địa bàn huyện Hàm Yên vui mừng, phấn khởi, bởi vụ cam năm nay bán được giá mà lại dễ tiêu thụ, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, vụ cam sành Hàm Yên năm nay toàn huyện đạt gần 70.000 tấn, giảm 20.000 tấn so với vụ năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay cam sành Hàm Yên khá được giá, ngay từ đầu vụ cam đã đạt 8.000-10.000 đồng/kg. Đặc biệt, cam hữu cơ có truy xuất nguồn gốc giá lên tới 28.000-30.000 đồng/kg.

Nguyên nhân sản lượng cam sành giảm so với các vụ trước là do giai đoạn đầu vụ cây ra hoa gặp thời tiết bất lợi nên tỷ lệ đậu quả thấp. Hơn nữa, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng tiêu thụ chậm nên đến vụ cam năm nay nhiều hộ nông dân đã không muốn đầu tư chăm sóc, để cây tự nhiên sinh trưởng phát triển dẫn đến dinh dưỡng nuôi cây ít, đạt năng suất thấp. Nhiều nhà vườn chặt cam để trồng các cây trồng khác.

Ngay từ đầu niên vụ cam, nhận định thị trường tiêu thụ cam nhiều khả năng gặp khó khăn trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND huyện Hàm Yên đã chủ động xây dựng phương án tiêu thụ cam cho người dân. Theo đó, Hội Cam sành Hàm Yên đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hàm Yên năm 2021 với Bưu điện tỉnh, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty TNHH xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood.

Đồng thời, huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm cam với các tập đoàn phân phối, sở hữu các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như Big C, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+, Fivimart và Citimart; kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như Sen đỏ, Vỏ sò, PostMart... Chính vì vậy, giá cam sành năm nay tăng hơn gấp đôi so với các năm trước.

Người dân thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) đã có nghề trồng cam lâu đời. Với  225 ha cam, trung bình mỗi năm thị trấn Tân Yên thu khoảng 10 tấn cam/ha, mang lại giá trị kinh tế cao và cơ hội việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Theo nghề trồng cam đã hơn chục năm nay, cứ mỗi độ xuân về, gia đình chị Lâm Thị Ánh, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên lại tất bật thu hoạch cam đem bán trong khu vực và các thương lái từ khắp mọi miền. Với diện tích hơn 1ha, sản lượng trung bình mỗi năm 20 - 30 tấn cam, mỗi năm gia đình chị Ánh thu về 200 đến 300 triệu đồng. Chị Ánh cho biết, năm nay là năm chị vui nhất. Bởi những người trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP như gia đình chị năm nay bán được giá và dễ tiêu thụ, ngay từ đầu vụ, thương lái ở các tỉnh dưới xuôi lên tận vườn thu mua.

Xã Phù Lưu có diện tích trồng cam lớn của huyện với hơn 2.400 ha, trong đó có hơn 130ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cam là cây truyền thống và cũng chính là cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Anh Nịnh Văn Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Cam sành xã Phù Lưu cho biết, hiện nay, người trồng cam trên địa bàn đã chú trọng việc trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, vì vậy từ ngày cam sành có thương hiệu, thị trường buôn bán được mở rộng hơn. Trước đây người dân chủ yếu bán trong tỉnh, nay thị trường ngày càng mở rộng đến các tỉnh thành khác như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang,... Thậm chí đầu mối ở các tỉnh miền Trung, miền Nam hàng năm cũng có nhu cầu đến thu mua cam sành. Vụ cam năm nay, nhiều hội viên trong Chi hội cam sành của xã thắng lớn, sau khi trừ chi phí nhiều gia đình thu về từ 300 đến 500 triệu đồng.

Người dân xã Phù Lưu (Hàm Yên) thu hoạch cam sành.

Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, đến thời điểm này, các trang trại, nhà vườn trên địa bàn huyện đã thu hoạch được khoảng trên 60.000 tấn cam, ước đạt doanh thu trên 600 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Giá cam năm nay cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giá bán tại vườn giao động từ 14 đến 18 nghìn đồng/kg. Hiện nay, sản lượng cam cuối vụ còn khoảng 5.000 tấn, huyện đã đôn đốc các nhà vườn, trang trại khẩn trương thu hoạch, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết mang lại.

Để cây cam phát triển bền vững, vươn xa, thời gian tới, UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển bền vững cây cam sành. Trong đó tập trung  quản lý tốt quy hoạch, giữ ổn định diện tích cam hiện có. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn, Hội Cam sành Hàm Yên tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm cam. Huyện tiếp tục tăng diện tích cam được trồng theo quy trình VietGAP, Global GAP, hữu cơ để có sản phẩm đảm bảo sạch cung cấp cho thị trường và tăng giá trị cho quả cam.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục