Hiệu quả của cây vụ đông và vấn đề liên kết trong sản xuất

- Dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, trong đó có nông nghiệp. Thế nhưng, sản xuất vụ đông năm nay đã giành thắng lợi lớn bởi thị trường tiêu thụ ổn định và giá trị sản phẩm đã tăng so với kế hoạch đề ra. Liên kết trong sản xuất chính là lời giải cho giá trị gia tăng của cây trồng vụ đông năm 2021.

Người dân thôn Đồng Bèn 1, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) thu hoạch ớt vụ đông.   Ảnh: Cao Huy

Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó

Chưa vụ đông nào, gia đình bà Nguyễn Thị Vui, thôn Ao Búc, xã Trung Yên (Sơn Dương) nhàn hạ và thắng lớn như vụ đông năm nay. Bà Vui cho biết, 6 sào dưa chuột của gia đình bà đến thời điểm này thu gần 10 tấn quả, giá tính bình quân 7.000 đồng/kg, bà đã thu về gần 70 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, giống, điện bơm nước lãi trên 35 triệu đồng, điều bà Vui không ngờ đến, bởi trong thời điểm dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp. Thu hái dưa xong, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (Vĩnh Phúc) cân, bốc ngay tại ruộng. Bà Vui tính, hết vụ dưa này bà tiếp tục xuống giống để kịp cung ứng cho HTX trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.  

Không chỉ có cây dưa chuột, hàng nghìn ha ngô đông của bà con tại huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang cũng đều đã có đơn đặt hàng. Ông Hà Doãn Hộ, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, 6 ha ngô của ông và các hộ dân trong thôn được các trang trại chăn nuôi bò sữa đặt hàng rồi, chỉ chờ đến kỳ thu hoạch là đốn chặt, tính tiền. Giá hợp đồng ký ban đầu là 830 nghìn đồng/tấn, thực tế hiện nay đã tăng lên 850 nghìn đồng/tấn nên bà con phấn khởi lắm! Trừ chi phí phân bón, giống, công chăm sóc mỗi sào ngô đông cũng đem lại cho người nông dân trên 1 triệu đồng tiền lãi. 

Người dân thôn Ao Búc, xã Trung Yên (Sơn Dương) thu hái dưa chuột cung ứng theo đơn hàng đã ký kết.

Năm nay chi phí đầu vào tăng lên, các trang trại, doanh nghiệp, HTX cũng đã kịp thời điều chỉnh giá thu mua sản phẩm theo hướng tăng lên đã mang lại niềm tin cho bà con. Cụ thể, hợp đồng ký kết ban đầu thu mua ngô sinh khối là 830 nghìn đồng/kg, song hiện nay các trang trại đã nâng mức giá lên 850 - 860 nghìn đồng/kg; sản phẩm dưa chuột đầu tháng 11, doanh nghiệp thu mua đã điều chỉnh tăng lên 13 nghìn đồng/kg thay vì ký kết 7 nghìn đồng/kg như ban đầu.

Liên kết sản xuất - yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hóa

Trong các chương trình làm việc với các huyện, thành phố về sản xuất nông nghiệp hồi đầu tháng 11 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, hiệu quả trong sản xuất cây vụ đông, đặc biệt là vụ đông năm nay cho thấy vấn đề liên kết sản xuất cần phải được duy trì và đẩy mạnh trong bất kỳ bối cảnh nào. Nông dân đến với doanh nghiệp để tìm chỗ dựa cho sản phẩm của mình; doanh nghiệp trong thời đại cạnh tranh khốc liệt cũng muốn tìm kiếm vùng nguyên liệu có khối lượng lớn, ổn định và đảm bảo chất lượng. Đây là lý do để đôi bên gặp gỡ nhau. Từ những năm trước, một số mô hình liên kết nổi lên, thường là những “ông chủ lớn” đặt vấn đề cung ứng giống, phân bón, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bây giờ, người sản xuất cũng có thể tự tìm bạn hàng và tất nhiên, trong khi nhu cầu tăng cao thì nhà đầu tư cũng không cần phải là “đại gia”, miễn hai bên cùng có lợi.

Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (Vĩnh Phúc) cho biết, HTX ký cung ứng sản phẩm dưa chuột cho chuỗi 20 siêu thị Big C miền Bắc và 3 bếp ăn tập thể tại Hà Nội với khối lượng 20 tấn dưa/ngày. Do vậy, việc ký hợp đồng sản xuất với bà con nông dân đảm bảo nguồn hàng là việc sống còn của HTX.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra mô hình liên kết trồng ngô sinh khối
làm thức ăn cho gia súc tại xã Đông Thọ (Sơn Dương).

Ông Vũ Văn Hải, phụ trách nguyên liệu, Chi nhánh Công ty TNHH Bò sữa Việt Nam - Trang trại bò sữa Tuyên Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò sữa trên 2.000 con, trong khi quỹ đất trồng cây thức ăn không đủ, giải pháp hiệu quả nhất là liên kết với bà con nông dân để trồng ngô sinh khối. Ông Hải cho rằng, liên kết sản xuất có rất nhiều cái lợi, dồi dào nguồn thức ăn xanh bởi bà con trồng rải vụ trong cả năm.

Ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sơn Dương khẳng định, trên cơ sở lựa chọn các xã có truyền thống, tư duy sản xuất hàng hóa trong vụ đông làm nền tảng để xây dựng các mô hình điểm, huyện nỗ lực kết nối các doanh nghiệp với người sản xuất. Đến nay, ngoài cây mía, gỗ rừng trồng, huyện đã kết nối mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất các cây trồng ngắn ngày khác như ớt, dưa chuột, ngô, lạc... Theo ông Niên, quan điểm xuyên suốt của huyện là trên cơ sở thực tiễn và sự trao đổi, thỏa thuận giữa doanh nghiệp, người dân sẽ quyết định hình thức và quy mô liên kết. Ngành nông nghiệp và địa phương tham gia chỉ đạo, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật...

Liên kết để sản xuất bền vững, đó là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa. Ngoài lợi ích hai bên nhận được, xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay là các bên minh bạch, hài hòa doanh nghiệp có lợi, nông dân có lãi chính là “chất kết dính” đảm bảo sản xuất bền vững nhất.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục