Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trong dịch Covid-19

- Dịch bệnh Covid-19 đang ở cao điểm lây lan lần thứ 4. Nó làm đứt gãy nhiều chuỗi liên kết - tiêu thụ nông sản, khiến nhiều hợp tác xã và người nông dân gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Giữa tháng 5-2021, Hợp tác xã chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) - đơn vị đang thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm dưa chuột cho người dân các huyện Na Hang, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương, diện tích khoảng 66 ha - buộc phải “kêu cứu” khi lượng dưa chuột Hợp tác xã liên kết với các hộ dân đến thời điểm thu hoạch rộ, đang khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra. Trước đây, toàn bộ sản phẩm thu mua được đưa về tiêu thụ tại Vĩnh Phúc. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, thời điểm đầu việc bao tiêu sản phẩm diễn ra khá thuận lợi do thị trường chưa bị thu hẹp. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đầu mối bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã bị thu hẹp lại do một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Lượng tiêu thụ chỉ đạt 1/4 so với thời điểm trước khi dịch bệnh. Hiện, ông Phúc đang cố gắng thu mua hết toàn bộ sản lượng đã ký hợp đồng và đang phải bù lỗ gần 1.000 đồng/kg để đạt giá tối thiểu 2.000 đồng/kg như hợp đồng đã ký kết từ trước. Theo ông Phúc, việc bù lỗ, thu mua là chuyện phải làm, nhưng thu mua về bán cho ai lại là một câu chuyện khác.

Người dân hỗ trợ tiêu thụ dưa chuột cho người dân liên kết với Hợp tác xã chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm.

Tình hình tiêu thụ chè tại một số doanh nghiệp sản xuất chè lớn của tỉnh cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 do không vận chuyển được hàng hóa qua một số nước và giá cước vận chuyển cũng tăng cao. Thống kê của ngành nông nghiệp, riêng sản lượng chè qua chế biến của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn tồn 2.862 tấn. Ông Ngô Đức Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chè Sông Lô cho biết, giá cước vận tải biển hiện tăng gấp 4, 5 lần so với trước đây. Đơn cử như các đơn hàng sang Nga và các nước Châu Âu, giá mỗi công-ten-nơ chở hàng của doanh nghiệp tăng từ 3.000 USD lên hơn 10.500 USD, khiến việc tiêu thụ sản phẩm cho cả doanh nghiệp bán và doanh nghiệp thu mua gặp nhiều khó khăn. Khó khăn của Công ty cổ phần Chè Sông Lô cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh nói chung và của cả nước nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, thời điểm này, việc sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn. Ngoài khó khăn về điều kiện chung của dịch Covid-19, do phần lớn các sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh chưa qua chế biến sâu, do đó rất khó tiêu thụ ở thời điểm chính vụ. Các doanh nghiệp lớn đầu tư về sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa nhiều.

Chia sẻ với khó khăn của người nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đứng ra hỗ trợ bao tiêu dưa chuột cho một số hộ dân đã liên kết với Hợp tác xã chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm tiêu thụ dưa chuột đến thời điểm thu hoạch cho bà con. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, diện tích đơn vị này đứng ra hỗ trợ bao tiêu là khoảng 10 ha, trung bình 20 tấn dưa chuột/ngày. Tại Yên Nguyên (Chiêm Hóa) - địa phương ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên của tỉnh - có hơn 10 ha dưa chuột tham gia liên kết đã thu hoạch xong từ cuối tháng 4. Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo người dân địa phương này không mở rộng diện tích, tránh tình trạng đến thời điểm thu hoạch mà tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, điệp khúc “giải cứu nông sản” như nhiều địa phương khác.

Hiện Trung tâm Khuyến nông đang khuyến cáo Hợp tác xã giảm diện tích liên kết cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định. Đồng thời, đề nghị các địa phương khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm của nông dân trong tỉnh để giải quyết phần nào lượng nông sản đang đến thời điểm thu hoạch.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Thuấn, để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19, mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh là ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân; Tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị trong nước và nước ngoài. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng dự báo, khi dịch Covid-19 xảy ra đồng thời tại nhiều địa phương, thì nhu cầu sử dụng lương thực thực phẩm do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân tăng cao, ngành chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Đồng thời, tiếp tục mở rộng nhiều thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và đa dạng hóa sản phẩm.

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục