Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Sơn Nam

- Những năm gần đây, với việc đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng ở vùng đất đồi thấp, đất soi bãi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân ở xã Sơn Nam (Sơn Dương).

Anh Trần Văn Thịnh, thôn Cây Cọ là người tiên phong trồng cây thanh long ruột đỏ ở xã Sơn Nam. Năm 2012, qua tìm hiểu kỹ thuật trên phương tiện thông tin đại chúng, anh đã tìm mua 500 trụ thanh long về trồng. Anh Thịnh cho biết, sau 2 năm chăm sóc, cây bắt đầu cho quả, tuy nhiên, giống cây thanh long Đài Loan cho năng suất thấp, mẫu mã không được đẹp như các giống thanh long khác.


Gia đình anh Trần Văn Thịnh, thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam (Sơn Dương) chăm sóc vườn thanh long.

Năm 2015, sau khi tham quan mô hình trồng thanh long ở Vĩnh Phúc, anh quyết định trồng mới 2 ha bằng giống thanh long ruột đỏ Thái Lan. Giống thanh long này có màu đỏ đậm, vỏ mỏng, ăn có vị ngọt và năng suất hơn. Từ sự mạnh dạn đó, giờ đây, gia đình anh Thịnh đã có 2 ha thanh long, với hơn 2.000 trụ cho thu hoạch. Từ năm 2018 đến nay, mỗi vụ, gia đình anh thu hoạch từ 17 - 20 tấn quả, với giá bán từ 15.000 - 27.000 đồng/kg, thu lãi trên 170 triệu đồng/năm. Hiện, anh Thịnh còn tự nhân giống để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân địa phương.

Vườn thanh long hơn 1.000 gốc của gia đình anh Trần Văn Khởi, thôn Cây Cọ cũng là một trong những vườn cho thu nhập khá ở đất Sơn Nam. Năm 2020, 1 ha thanh long của gia đình cho thu hoạch hơn 8 tấn quả, với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, anh “bỏ túi” gần 100 triệu đồng. Anh Khởi cho biết, trồng thanh long không tốn nhiều công chăm sóc, 1 trụ có thể cho thu hoạch hơn 8 kg quả, thu hoạch đến đâu thương lái đến thu mua tận nơi hết đến đó, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 đến 5 lần so với trồng cây ngô, cây sắn.

Qua chia sẻ của các hộ dân trồng cây thanh long, loại cây này có đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với đất đồi thấp, đất soi bãi, giá bán cao, đầu ra ổn định. Cây thanh long sau thời gian trồng 2 năm bắt đầu cho quả, từ năm thứ 3 trở đi sẽ cho thu hoạch rộ, năng suất đạt khoảng 8 - 10 tấn quả/ha/năm. Mỗi vụ thu hoạch kéo dài 4 - 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch). Người trồng thanh long sẽ không bị thu hoạch ồ ạt vào một thời điểm, nên hạn chế được số lượng quả hỏng.  Bên cạnh đó, thanh long còn có giá trị dinh dưỡng cao nên thị trường tiêu thụ lớn. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều sản phẩm nông sản của bà con bị ế, nhưng sản phẩm thanh long của các hộ dân trên địa bàn xã vẫn được thương lái đến tận nơi thu mua hết, với giá bán cao từ 15.000 - 25.000 đồng/kg.

Đồng chí Dương Chí Thành, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam cho biết, nhận thấy tiềm năng về đất đai và hiệu quả kinh tế từ cây thanh long, một số hộ dân ở xã đã đưa cây này vào trồng. Đến nay, xã có hơn 13 ha thanh long, tập trung ở thôn Cây Cọ. Xác định phát triển cây thanh long có thể giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, Đảng ủy xã đã giao UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền người dân trồng, chăm sóc thanh long theo hướng sản xuất hữu cơ, từ đó định hướng xây dựng quả thanh long trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Năm 2021, trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã Hưng Thịnh, với 7 thành viên tham gia trồng thanh long. Tham gia hợp tác xã, các thành viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc cây thanh long và liên kết tiêu thụ sản phẩm.                     

  Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục