Khi nông dân không lấm bùn

- Không còn loay hoay với câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì, sự vào cuộc của ngành Nông nghiệp, sự chủ động của các hợp tác xã trong hình thành những chuỗi liên kết sản xuất đã giúp những người nông dân không chỉ yên tâm với các sản phẩm được đưa vào thực hiện, mà ngay cả việc “chân lấm tay bùn” như trước đây, cũng đã là câu chuyện khác.

Mô hình liên kết trồng ngô sinh khối giữa Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành với nông dân các xã An Tường, Hưng Thành, Nông Tiến, Tràng Đà (TP Tuyên Quang) từ vụ xuân năm 2021 cũng đã “mở” ra một lối suy nghĩ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành thu hoạch, vận chuyển ngô sinh khối cho nông dân xã Tràng Đà
(TP Tuyên Quang) ngay tại ruộng.

Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Hưng Thành Lê Đình Trung cho biết, 12 thành viên của Hợp tác xã liên kết trồng hơn 20 ha ngô sinh khối với Hợp tác xã Tiến Thành, giá thu mua 850 đồng/kg. Bà con phấn khởi lắm, trước trồng ngô, trồng màu, bà con còn phải “xắn quần xắn áo” xuống ruộng thu hoạch, giờ liên kết chỉ việc xuống giống, chăm sóc đúng kỹ thuật thôi. Đến ngày thu hoạch, Hợp tác xã cho người đến tận chân ruộng, thu hoạch, cân đếm xong chở lên xe luôn.

13 hộ dân ở Tràng Đà vụ đông vừa rồi cũng liên kết trồng hơn 8  ha ngô sinh khối với Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành. Chỉ trong 4 ngày, 8 ha ngô được người lao động của Hợp tác xã Tiến Thành thu hoạch gọn gàng. Bà Đoàn Thị Hồng, xóm 8, xã Tràng Đà bảo, chưa bao giờ nghĩ làm nông dân lại “nhàn” thế. Gia đình bà vụ đông này trồng hơn 3,5 sào ngô sinh khối, năng suất mỗi sào cũng đạt trên 1,7 tấn ngô. Vụ đông này, 3,5 sào ngô gia đình bà thu được hơn 5 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành cho biết, thực hiện chuỗi liên kết, đơn vị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn bà con về kỹ thuật, hợp tác xã đôn đốc, giám sát. Hợp tác xã thực hiện cung ứng giống, phân bón, gia đình nào chưa có khả năng thanh toán ngay từ đầu vụ sẽ khấu trừ vào sản phẩm sau thu hoạch. Đến thời điểm thu hoạch, Hợp tác xã cho người đến tận ruộng thu hoạch và chuyển thẳng đến các trang trại chăn nuôi bò sữa mà đơn vị đã hợp đồng trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, năm 2022, diện tích ngô sinh khối mà hợp tác xã thực hiện theo chuỗi liên kết sẽ tiếp tục mở rộng ra các địa phương khác, với diện tích dự kiến trên 300 ha.

Trụ sở Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phú Sơn, xã Tân Thanh (Sơn Dương) những ngày này tất bật người đến đăng ký, học hỏi kinh nghiệm trồng cây gai xanh. Loại cây “vừa mới vừa cũ” này được Hợp tác xã đưa vào trồng gần 1 năm nay và đã khẳng định hiệu quả, giá trị kinh tế ổn định.

Giám đốc Hợp tác xã Phú Sơn, ông Nguyễn Tiến Mạnh, cho biết, từ năm 2018, khi tìm hiểu một số mô hình trồng tại các tỉnh lân cận, bản thân ông đã rất muốn đưa về trồng trên đồng đất quê hương. Nhưng ngày ấy, một phần vì chưa tìm được đầu ra, một phần vì sợ thất bại, nên ông chưa mạnh dạn triển khai. Năm 2020, khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức đoàn khảo sát, thăm quan, học tập mô hình trồng cây gai xanh ở Phú Thọ, rồi kết nối với Công ty An Phước bao tiêu toàn bộ sản phẩm thân và vỏ để sản xuất sợi dệt vải, thì ông quyết tâm đứng ra, làm đầu mối đưa cây trồng mới này về Sơn Dương.
10,7 ha cây gai xanh được trồng tại 6 xã Tân Thanh, Phúc Ứng, Tú Thịnh, Kháng Nhật, Tân Trào, Trung Yên. Điều đặc biệt, là hầu như tất cả mọi thành phần của loại cây này, đều có thể… thành tiền. Thân và vỏ dùng sản xuất sợi dệt vải chất lượng cao; lá sử dụng trong chế biến bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu; thân cây gai được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy. Và sau khoảng thời gian hơn 10 năm, khi đến thời kỳ thay gốc, thì củ của nó có thể bán cho các cơ sở chế biến thuốc đông y để điều trị bệnh…

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình trồng cây gai xanh tại xã Tân Thanh (Sơn Dương).

Ông Khổng Văn Kiểm, thôn Nga Phụ, xã Tân Thanh có 6 sào trồng gai xanh. Sau 4 tháng trồng cây cho thu hoạch vụ đầu tiên, sau đó chặt sát gốc, cây sẽ mọc lại, sau 60 ngày cho thu hoạch lứa tiếp theo. Nhà ông Kiểm năm vừa rồi thu 5 lứa, trừ chi phí mỗi sào lãi 10 triệu đồng/năm. Ông Kiểm bảo, cái hay của mô hình này là bà con chỉ việc trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, tất cả mọi khâu còn lại đã có hợp tác xã lo. Trước đây làm nông nghiệp là “trông trời trông đất trông mây”, giờ chỉ “trông” sao cho đến ngày thu hoạch thôi.  

Giám đốc Hợp tác xã Phú Sơn Nguyễn Văn Mạnh không giấu được niềm vui. Ông bảo, cuối năm 2021, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phú Sơn đã ký với Công ty An Phước một hợp đồng 10 năm, về bao tiêu sản phẩm cây gai xanh với giá thu mua ổn định 40 nghìn đồng/kg khô. Giờ, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phú Sơn chỉ tập trung mở rộng diện tích trồng cây xanh, trong đó, năm 2022 sẽ mở rộng thêm ít nhất 100 ha nữa để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Thị Kim cho biết, hiện nay, việc khuyến khích các hợp tác xã tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất đang được Trung tâm Khuyến nông tích cực thực hiện. Ngoài việc tìm kiếm các mô hình mới đưa vào thực hiện, Trung tâm Khuyến nông cũng chủ động kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hình thành những chuỗi liên kết sản xuất khép kín, từ đầu vào đến đầu ra. Nhiều mô hình hiện nay đã phát huy hiệu quả rõ nét, như mô hình liên kết trồng dưa chuột của Hợp tác xã Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương), mô hình liên kết trồng ngô sinh khối của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành hay mô hình liên kết trồng cây gai xanh của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phú Sơn. Về lâu dài, đây sẽ là hướng đi mà đơn vị tập trung thực hiện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, mất mùa được giá”.

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục