Khoảng trống trong quản lý giống nông nghiệp

- Giống được coi là yếu tố hàng đầu đảm bảo thành công trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây tại một số địa phương, tình trạng ngô kết hạt kém, lúa trỗ bông nhưng không chắc hạt khiến cho người nông dân thất thu.

Thời tiết hay giống?

Vụ xuân vừa qua, nhiều hộ nông dân xã Tân Thành (Hàm Yên) thất thu vụ ngô vì ngô trồng nhưng tỷ lệ kết hạt rất kém. Bà Ngô Thị Hà, thôn 2 Việt Thành buồn rầu cho biết, vụ xuân năm nay, gia đình mua giống ngô biến đổi gen NK 7328 để gieo trồng. 4 tháng chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại nhưng đến kỳ thu hoạch ngô lại phụ công người. 4 sào ngô như mọi năm gia đình bà Hà thu khoảng 7 - 8 tạ ngô hạt thì năm nay nhặt nhạnh cũng chỉ được gần 1 tạ. 

Cùng dải đất bãi bồi thôn 2 Việt Thành, xã Tân Thành, gia đình ông Triệu Văn Dương cũng thất thu vì tỷ lệ bắp cho hạt rất kém. Ông Dương cho biết, trước thực trạng ngô trồng kết hạt kém ông và nhiều hộ gia đình gieo giống ngô trong thôn có ý kiến với công ty sản xuất giống. Đơn vị sản xuất giống cho rằng ngô kết hạt kém là do thời tiết bất thuận không phải do giống, tuy nhiên một số giống ngô khác trồng cùng trà, cùng xứ đồng lại kết hạt đều - ông Dương nhấn mạnh.

Diện tích ngô kết hạt kém người dân thôn 2 Việt Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên) không thu hoạch.

Trước đó, vụ xuân năm 2020, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa khóc dở mếu dở vì giống lúa mới HANA của Công ty TNHH Hạt giống HANA. Giống lúa mới được giới thiệu với nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng đẻ nhánh khá, tập trung, gọn khóm, cứng cây, bộ lá khỏe, trỗ tập trung; năng suất lúa tương đối cao và ổn định; khả năng chống chịu sâu bệnh hại tương đối tốt, bông lúa to, dài, màu hạt vàng sáng, ngon cơm... Khi đưa vào gieo trồng lúa sinh trưởng phát triển rất tốt tuy nhiên đến kỳ lúa chỉ trỗ bông mà không chắc hạt. Ông Triệu Quốc Doanh, thôn Nà Quang, xã Trung Sơn (Yên Sơn) nhớ lại, vụ xuân năm 2020 ông gieo cấy 5 sào bằng giống lúa HANA, gần 4 tháng trời, 1 sương 2 nắng coi sóc nhưng đến kỳ lúa chỉ trỗ bông mà không vào chắc khiến gia đình ông mất mùa riêng.

Bất cập trong cơ chế quản lý giống nông nghiệp


Giống, vật tư nông nghiệp vẫn được bày bán tự do
 tại chợ phiên Trung Sơn (Yên Sơn).

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những giống lúa, ngô mới trong sản xuất nông nghiệp đưa vào gieo trồng bị tổn thất đều do đơn vị sản xuất giống cung ứng trực tiếp xuống các đại lý để bán cho người dân mà không thông qua cơ quan quản lý Nhà nước hay chính quyền sở tại. Ông Nhữ Anh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn (Yên Sơn) khẳng định, vụ xuân 2020 hàng chục hộ nông dân của xã bị thiệt hại do giống lúa không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì đơn vị sản xuất giống không thông qua xã mà cung ứng giống thẳng xuống cơ sở, đại lý giống, vật tư để bán cho bà con nên khi xã nắm được thì đã muộn.

Mới đây nhất tình trạng giống ngô trồng kết hạt kém xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, khi các đoàn kiểm tra của các cơ quan chuyên môn vào cuộc cũng mới vỡ ra là đơn vị sản xuất cũng “đi tắt” để cung ứng giống cho bà con nông dân. Cũng chính vì không thông qua ngành chuyên môn, chính quyền địa phương khi tổn thất xảy ra rất khó đưa ra giải pháp khắc phục.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Thanh tra - Hành chính, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định, giống nông nghiệp là một mặt hàng đặc biệt, Nhà nước phải có quy định cụ thể đối với tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất lưu hành giống. Trên thực tế hiện nay, giống nông nghiệp, trong đó có các giống cây hàng năm chỉ cần được Cục Trồng trọt cấp phép lưu hành là đơn vị sản xuất giống có quyền cung ứng giống ra thị trường như một hàng hóa thông thường mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đi tắt” không thông qua cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc cung ứng của một số đơn vị sản xuất giống hiện nay.

Trước khi Nhà nước có giải pháp quản lý giống hiệu quả, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn giải pháp hướng dẫn cơ cấu giống nông nghiệp, lịch gieo trồng trong từng thời vụ. Khuyến cáo được đưa ra là bà con nông dân lựa chọn giống trong bộ cơ cấu giống của tỉnh, tuyệt đối không sử dụng giống ngoài cơ cấu; thực hiện gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất; chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Một yêu cầu đặt ra nữa là chỉ mua giống của các đơn vị sản xuất giống có uy tín trên thị trường, những cửa hàng, đại lý có địa chỉ rõ ràng. Tuyệt đối không mua các giống không có nguồn gốc rõ ràng và bán trôi nổi trên thị trường, khi sử dụng giống phải tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên hướng dẫn sử dụng. Mỗi địa phương nên chọn từ 1 - 3 giống để gieo trồng; trên cùng một xứ đồng chỉ gieo trồng từ 1 - 2 giống có thời gian sinh trưởng tương đương nhau và tập trung gieo trồng trong vòng từ 3 đến 5 ngày để thuận lợi cho chăm sóc và quản lý dịch hại, tránh những tổn thất trong sản xuất.

Bài, ảnh: Tuấn Quang

Tin cùng chuyên mục