Không khan hiếm giống, vật tư sản xuất vụ mùa

- Giá lúa, ngô giống, vật tư phân bón tăng cao nhất từ trước đến nay khiến bà con lo ngại mặt hàng này sẽ khan hiếm, ảnh hưởng đến sản xuất. Thông tin chính thức từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung rất dồi dào phục vụ sản xuất vụ mùa và dự phòng khi có thiên tai xảy ra.

Bà Hoàng Thị Cúc, thôn Đồng Quảng, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) đã mua đầy đủ giống, phân bón. Bà Cúc cho biết, năm trước làm đến đâu, gia đình mua đến đó nhưng năm nay giá giống, phân bón tăng cao, lo ngại hàng khan hiếm sẽ nhỡ kế hoạch sản xuất nên bà phải mua ngay. Theo bà Cúc, giá giống lúa năm nay nhích hơn năm ngoái từ 1.000-1.500 đồng/kg. Riêng phân bón tăng kỷ lục, hiện tại 1 bao phân đạm Ure Hà Bắc giá 550.000 đồng, tăng trên 200.000 đồng/bao 50kg.

Cũng như bà Cúc, bà Nông Thị Ấm, xóm 8, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cũng lo ngại giá lúa giống tiếp tục tăng và khan hiếm nên đã chủ động mua hết lúa giống gieo cấy trà chính vụ và dự phòng nếu có thiên tai xảy ra phải gieo cấy lại.

Cửa hàng giống, vật tư nông nghiệp Hùng Sao, xã Kim Phú nhập đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân.

Anh Phạm Xuân Thảo, chủ cửa hàng giống vật tư nông nghiệp Hùng Sao, xóm 11, xã Kim Phú khẳng định, giá giống có tăng nhưng không đáng kể, giá lúa giống thuần tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg; lúa lai cũng chỉ tăng từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Hiện tại giá giống lúa BC15, giống được tiêu thụ nhiều nhất hiện nay đến tay người nông dân là 37.000/kg, tăng 1.000 đồng so với vụ xuân. Hay giống lúa TBR225 cũng chỉ ở mức 37.000/kg, tăng 1.000 đồng. Tuy nhiên giá phân bón tăng cao, đạm Ure tăng từ 320 nghìn đồng lên 550 nghìn đồng/bao 50 kg; một số các sản phẩm phân bón khác cũng tăng từ 60 - 120 nghìn đồng/bao tùy từng trọng lượng.

Ông Phạm Văn Tuyển, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giống vật tư nông nghiệp Tuyên Quang khẳng định, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 giá giống, vật tư phân bón có tăng nhưng hoàn toàn không khan hiếm. Tính đến thời điểm này, công ty đã cung ứng vào thị trường 2 tấn lúa thuần và 70 tấn giống lúa lai gồm LC 270, Sán Ưu 63, Nhị Ưu 838, giá bán cũng được niêm yết đầy đủ trên từng bao bì sản phẩm. Đã cung ứng 1.000 tấn phân bón các loại ra thị trường, tương đương với những mùa vụ trước.

Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẳng định, tính toán sơ bộ nhu cầu sử dụng giống vụ mùa năm nay ước khoảng 720 tấn, trong đó lúa thuần 470 tấn, lúa lai khoảng 250 tấn.

Báo cáo từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn, đến thời điểm này 70% lượng giống đã về các đại lý, cửa hàng giống vật tư để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con. Ngành cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục cung ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất thời điểm chính vụ và dự phòng nếu mưa lũ xảy ra phải gieo cấy lại. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 chi phí nhập khẩu đầu vào, vận chuyển tăng đã kéo giá phân bón tăng cao. Bởi vậy, hơn lúc nào hết bà con nông dân cân đối hợp lý tỷ lệ phân vô cơ, hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ cho sản xuất vừa cải tạo đất, tốt cho cây trồng, giảm thiểu dịch bệnh cũng như chi phí đầu tư.

Giá giống, vật tư có biến động về giá tuy nhiên không khan hiếm, bà con nông dân yên tâm lựa chọn loại giống phù hợp với từng đồng đất, truyền thống canh tác của địa phương, hạn chế lấy lúa thương phẩm gieo cấy làm giảm năng suất, chất lượng.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục