Làng chè vào vụ Tết

- Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết nguyên đán Quý Mão, người dân tại các làng nghề chè ở Sơn Dương đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh sản xuất, đóng gói sản phẩm phục vụ thị trường cuối năm. Không khí vào vụ chè Tết đã rất nhộn nhịp.

Bà con làng chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) thu hái chè.

Vừa thoăn thoắt hái chè, anh Phạm Ngọc Thảnh,  thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào chia sẻ, tháng cuối năm luôn là thời điểm bận rộn nhất với người làm chè. Để có chè bán Tết, anh phải tăng sức đề kháng cho cây từ trước. Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, anh làm sạch cỏ, bón phân và đốn cành tạo tán. Lứa chè cuối năm gia đình anh thu hoạch được hơn 4 tạ chè khô. Tại thời điểm này, giá bình quân chè khô  từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, tùy loại, ước tính anh thu về trên 80 triệu đồng. Phải thức khuya, dậy sớm để thu hái, chế biến, đóng gói chè, tuy mệt nhưng ai cũng vui.

Thời tiết năm nay khá thuận lợi, chè xanh tốt, búp đều và dày nên bà con càng thêm phấn khởi. Chị Lương Thị Quyến, thôn Vĩnh Tân cho biết, gia đình chị trồng 1,5 ha chè Lai 1 theo hướng hữu cơ, VietGap. Dịp cuối năm, chè bán được giá cao hơn từ 250.000 - 400.000 đồng/kg (cao hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021). Từ tháng 11 dương lịch gia đình đã bắt đầu thu hái, chế biến, đóng gói chè cung cấp cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Hiện gia đình chị đang thu mua thêm chè búp tươi của bà con để chế biến chè khô phục vụ thị trường Tết. Với hơn 4 tấn chè khô đã được đóng gói, dự kiến gia đình sẽ thu về trên 600 triệu đồng.

Cùng với gia đình anh Thảnh, chị Quyên, thời điểm này, người dân làng nghề chè thôn Cảy, xã Minh Thanh cũng đang tập trung nhân lực, vật lực thu hái chè. Ông Phạm Văn Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè thôn Cảy cho biết,  với 7 thành viên và 10 ha chè nguyên liệu, trong quá trình sản xuất, tổ hợp tác luôn tuân thủ nghiêm ngặt sản xuất an toàn từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Chuẩn bị cho dịp Tết này, tổ hợp tác đã in ấn hơn 4.000 bao bì, hộp đựng chè. Năm nay lượng khách có giảm hơn so với cùng kỳ những năm trước, nhưng khách hàng có xu hướng đặt loại chè đặc sản có giá bán hơn 300.000 đồng thay vì loại 150.000 đồng/kg như mọi năm. Hiện đã có hơn 10 đơn vị đặt 1 tấn chè các loại để làm quà dịp Tết.

Bên cạnh chất lượng tốt, bao bì sản phẩm phục vụ Tết cũng được các hộ làm chè ở Đồng Đài, xã Hợp Thành đầu tư.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong dịp Tết, Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long ở làng nghề chè Trung Long, xã Trung Yên cũng đã chủ động trong khâu sản xuất, chế biến và sẵn sàng cung ứng nhiều dòng sản phẩm khác nhau để phục vụ khách hàng. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long cho biết, khách hàng luôn quan tâm đến những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chính vì vậy, chè nguyên liệu của hợp tác xã luôn đảm bảo quy trình khép kín từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, chế biến.

Phục vụ thị trường Tết năm nay, hợp tác xã đã chuẩn bị các sản phẩm chè đặc sản (chè nõn), chè xanh hữu cơ, chè xanh Trung Long. Sản phẩm chè của đơn vị luôn có giá cả ổn định, không chạy theo thị trường nên khách hàng trong và ngoài tỉnh thường đặt từ 20 - 50 kg chè làm quà biếu. Giá trung bình của các sản phẩm từ 250.000 - 400.000 đồng/kg tùy loại.

Huyện Sơn Dương hiện có 8 làng nghề sản xuất và chế biến chè được công nhận làng nghề truyền thống. Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Ngoài Vĩnh Tân, thôn Cảy, Trung Long thì các làng nghề chè như Yên Thượng (Trung Yên), Đồng Hoan (Tú Thịnh), Cây Thị, Liên Phương (Phúc Ứng), Đồng Đài (Hợp Thành) đều đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm với niềm vui được giá. 

 Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục