Người nông dân trồng mía trở lại

- Sau thời gian phế bỏ cây mía chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, giờ đây tại nhiều địa phương bà con nông dân đang dần trở lại với cây trồng này.

Vừa thu hoạch hết diện tích mía nguyên liệu, bà Phạm Thị Hoài, thôn Làng Dịa, xã Bình Xa (Hàm Yên) bắt tay ngay vào chăm sóc mía lưu gốc, đồng thời thuê máy móc đánh luống để mở rộng diện tích. Bà Hoài cho biết, trước gia đình trồng 1 ha mía, niên vụ 2018 - 2019, giá mía giảm sâu bà phế bỏ 1 phần mía già cỗi tính chuyển sang trồng chanh, cam. Tuy nhiên gần đây thị trường tiêu thụ cam, chanh không ổn định, hơn nữa thời gian đầu tư dài trong khi cây mía chỉ 1 năm sau khi trồng đã cho thu hoạch, giá mía nguyên liệu tăng nên bà Hoài lại trồng mía.

Anh Phùng Quang Mạnh, cán bộ nông vụ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương kiểm tra diện tích mía lưu gốc tại thôn Làng Dịa, xã Bình Xa (Hàm Yên).

Cùng thôn Làng Dịa, gia đình bà Sầm Thị Hải cũng đang huy động nhân lực để đẩy nhanh tiến độ trồng mía. Bà Hải phấn khởi nói, 0,4 ha mía vụ vừa qua gia đình thu trên 30 tấn, thu về 30 triệu đồng. Vụ tới, công ty cam kết tăng giá lên 900 nghìn đồng/tấn, cùng với chính sách hỗ trợ làm đất, phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... nên bà đăng ký mở rộng thêm 0,5 ha. Bà Hải hy vọng năm tới, gia đình bà sẽ có nguồn thu đáng kể từ bán mía.

Anh Phùng Quang Mạnh, cán bộ nông vụ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, nếu như niên vụ 2018 - 2019, Bình Xa là địa phương phế canh cây mía nhiều nhất huyện thì năm nay bà con cũng quay trở về với cây mía với 44 hộ đăng ký trồng mới, trồng lại đưa tổng diện tích mía toàn xã lên trên 80 ha, đạt 114% kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa)  cho biết, trồng mía ông không phải lo đến chuyện đi bán, đến kỳ thu hoạch, công ty thu mua ngay. Ông Dũng tính, với 1 ha mía chăm sóc tốt năng suất đạt 90 tấn, giá rẻ nhất niên vụ  2018 - 2019 cũng được 75 triệu đồng, còn với giá hiện nay sẽ được khoảng 90 triệu đồng, nguồn phụ phẩm, lá, ngọn mía tận dụng nuôi trâu, bò gia tăng thu nhập.

Thống kê chưa đầy đủ đến ngày 15-4, toàn tỉnh đã trồng được 246,3 ha mía. Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương khẳng định, công ty đang triển khai bộ cơ chế để lấy lại niềm tin với người trồng mía, trong đó hỗ trợ phân bón, giống, chi phí chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng mía. Hiện tại, công ty đã hỗ trợ 3.300 tấn phân bón, với 2.600 tấn mía giống mới có năng suất, chất lượng cao để hỗ trợ người dân tái đầu tư trồng mía. Công ty cũng cam kết thực hiện điều tiết kế hoạch đốn chặt, thu mua hợp lý nhất, trong đó ưu tiên thu mua tại các điểm vận chuyển khó khăn, vùng thiếu lao động thu mua trước, đảm bảo thuận lợi cho hộ trồng mía và kết thúc thời vụ đúng kế hoạch.

Thực tế, niên vụ 2020 - 2021 vừa qua, công ty đã tổ chức, sắp xếp, điều tiết lại quy trình đốn chặt, thu mua, 100% diện tích mía được thu hoạch đúng thời vụ, củng cố niềm tin trong nhân dân. Niên vụ 2021 - 2022 tới, mức giá thu mua mía nguyên liệu sẽ tiếp tục được điều chỉnh lên 900 nghìn đồng/tấn với vùng mía trong bán kính 30 km xung quanh nhà máy; 850 nghìn đồng đối với các vùng còn lại. Hy vọng rằng, nỗ lực của công ty, cùng sự hợp tác tích cực của bà con nông dân, cây mía sẽ trở lại vị trí cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

 Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục