Người trẻ khởi nghiệp

- Nhiều bạn trẻ hiện nay đã dám bước qua “vùng an toàn” để dấn thân thực hiện những đam mê, ý tưởng của bản thân và khẳng định mình. Từ đó, trở thành những người truyền cảm hứng, khát vọng khởi nghiệp cho những người cùng thế hệ.

Câu chuyện khởi nghiệp

Từ bỏ công việc đầu bếp nhà hàng, anh Nguyễn Văn Thắng, xóm 18, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) mạnh dạn mở xưởng sản xuất ốc nhồi ống lam Chiến Thắng. 

Với mảnh đất rộng hơn 200 m2 của gia đình, anh đã mở xưởng sản xuất ốc nhồi ống lam với số vốn đầu tiên gần 30 triệu đồng. Chỉ nửa năm sau, xưởng của gia đình anh Thắng đã hoàn vốn và có tích lũy để tiếp tục mở rộng xưởng cũng như tăng số lượng nhân công, sử dụng máy móc để tăng nguồn hàng tiêu thụ ra thị trường. Anh Thắng chia sẻ, điểm khác biệt tạo nên thương hiệu ốc nhồi ống lam Chiến Thắng chính là hương vị riêng đậm đà của món ăn cùng quá trình chế biến bảo đảm vệ sinh, độ tươi ngon của nguyên liệu chính và cả các nguyên liệu thành phần. 7 tháng sau, từ những thị trường ngách, sản phẩm ốc nhồi ống lam Chiến Thắng đã có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đặc biệt được ưa dùng các tỉnh thành miền Trung. Đến nay, mỗi năm cơ sở sản xuất tiêu thụ trên 12 tấn ốc; doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 500 triệu - 1 tỷ/năm; giải quyết việc làm cho 8 - 10 đoàn viên thanh niên, lao động thường xuyên với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng và 40 - 50 đoàn viên thanh niên, lao động thời vụ.

Mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Thắng, xóm 18, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) 
 tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên chuyên ngành công nghệ thông tin cách đây 10 năm, 4 năm trước, anh Bùi Văn Hoàng, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) quyết định về quê hương và thành lập hợp tác xã nông - lâm nghiệp. Gần 16 ha đất bạc màu dần được thay thế trồng cà gai leo. Những xã khó khăn nhất trong huyện được anh Hoàng tìm đến hướng dẫn kỹ thuật trồng cho bà con. Hiện nay, ngoài 13 thành viên trong hợp tác xã anh đã liên kết với các hộ dân ở 5 xã trong huyện.

Anh Thắng cho biết, người dân trồng bao nhiêu anh thu mua bấy nhiêu. Trung bình mỗi vụ, bà con thu ít cũng được 40 triệu đồng. 1 năm nếu chăm chỉ làm ăn, bà con có thể thu được 3 vụ như vậy. Để sản phẩm được nhiều người biết đến, anh đã bán qua các kênh Zalo, Facebook. Thay vì mang ra chợ bán, hiện nay anh chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet là có thể đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách nhanh nhất.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp ở Tuyên Quang. Điểm chung của các mô hình này là đều tận dụng những lợi thế sẵn có của gia đình, địa phương, từ đó, nhân ra diện rộng. 

Đồng hành cùng thanh niên

Đồng hành với thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, các cấp bộ đoàn đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tư vấn, định hướng phù hợp với từng đối tượng, trong đó có sự góp sức của cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.

Anh Bùi Văn Hoàng, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) tham gia Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Tuyên Quang năm 2022.

Năm 2022, Cuộc thi đã nhận được 164 ý tưởng về các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghệ, thương mại, du lịch, dịch vụ, môi trường... Ban tổ chức đã lựa chọn được 31 ý tưởng được tham dự vào vòng chung khảo và 15 ý tưởng vào vòng chung kết. Tại cuộc thi, các bạn trẻ đã thể hiện sự tự tin, sáng tạo trong cách lên ý tưởng, trình bày và trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo đặt cho mình. 

Toàn tỉnh hiện duy trì hoạt động của 16 hợp tác xã thanh niên, 21 tổ hợp tác, 9 trang trại trẻ, 958 mô hình kinh tế thanh niên, 55 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên tham gia cung ứng các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh. Anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Phong trào Tỉnh đoàn cho biết, với sự đồng hành của các cấp bộ đoàn, phong trào phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp của thanh niên đã thu được những kết quả tích cực. Các hoạt động tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ vốn vay cho các mô hình thanh niên phát triển kinh tế theo chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm, kết nối đầu ra sản phẩm được triển khai đa dạng trên các kênh truyền thông của Đoàn - Hội.

Với sự đồng hành của các cấp bộ đoàn, chắc chắn phong trào lập thân, lập nghiệp của thanh niên toàn tỉnh sẽ được nhân rộng và là điểm tựa vững chắc giúp thanh niên xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Bài, ảnh: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục