Niềm vui được mùa nông sản Tết

- Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Tân Sửu. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân hối hả thu hoạch nông sản sau một năm lao động vất vả. Ghi nhận từ các vùng chuyên canh nông sản được mùa lớn, đặc biệt sau thời gian trầm lắng do dịch bệnh Covid-19, thị trường lưu thông trở lại, giá nông sản có xu hướng tăng nên bà con nông dân ai cũng vui.

Trong những ngày đầu năm mới, khắp các triền đồi, soi bãi của xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đâu cũng thấy màu vàng ruộm của bưởi, cam. Khí thế lao động sản xuất ở đây càng trở nên tấp nập, người người cắt bưởi, nhà nhà cắt bưởi để cung ứng ra thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh (Yên Sơn)
 được mùa bưởi trồng theo chuẩn hữu cơ.

Ông Trần Khắc Dũng, thôn Soi Tiên phấn khởi cho biết, “bất chấp” dịch bệnh Covid-19, từ cuối tháng 12 đến nay trung bình mỗi ngày gia đình ông cắt cho thương lái từ 400 - 600 quả bưởi. Khả năng một vài ngày tới số lượng bưởi cắt sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba do nhu cầu đặt hàng bưởi ăn Tết của khách hàng tăng cao. Sở dĩ bưởi của gia đình đắt hàng do được trồng theo chuẩn hữu cơ, từ quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây đến bảo quản quả đều nói không với hóa chất nên chất lượng bưởi đảm bảo các yêu cầu cao nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Dũng ước tính, với 180 cây, bình quân mỗi cây có trên 100 quả, giá bưởi hữu cơ đang ở mức 12 - 15 nghìn đồng/quả, vụ bưởi Tết gia đình ông thu khoảng trên 200 triệu đồng.

Đồng chí Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh bảo rằng, những năm trước, người dân thường bán gọn cả vườn cho thương lái ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, năm nay, người dân chuyển sang hình thức “bán đếm”. Nghĩa là, thương lái sẽ đến từng vườn, hái quả nào tính tiền quả đó. Một vườn có thể có nhiều thương lái cùng đến mua. Giá cả vì thế cũng thay đổi theo ngày, điều này có lợi nhiều cho người nông dân, khi nhu cầu tiêu dùng từ nay đến Tết Nguyên đán tăng cao đồng nghĩa với giá cũng tăng lên. Ngoài sản phẩm bưởi, Phúc Ninh còn có sản phẩm na trái vụ để cung ứng vào thị trường Tết. Hiện tại với trên 200 ha na, chỉ riêng vụ Tết người dân Phúc Ninh thu 500 - 600 triệu đồng, bởi giá na trái vụ luôn giữ ở mức rất cao, khoảng từ 40 - 50 nghìn đồng/kg, song cũng không đủ để cung ứng theo đơn đặt hàng.

Bà con nông dân Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang cũng đang thu tiền triệu mỗi ngày từ chăn nuôi các con đặc sản như  gà trống thiến, cá chiên, cá bỗng, lợn tên lửa, lợn đen địa phương...

Ông Lý Văn Hùng, dân tộc Dao, thôn Làng Ảng (Hàm Yên) phấn khởi cho biết, đàn gà trống thiến của gia đình đã được các thương lái đặt hàng, với giá 140 - 150 nghìn/kg; trọng lượng từ 4 - 4,5 kg/con mỗi con gà đang có giá trị 600 - 650 nghìn đồng. Với đàn gà trên 100 con, ông Hùng bảo, gia đình ông sẽ đón Tết xôm hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tự tin cho rằng, “bất chấp” những khó khăn, thử thách trong 1 năm qua, bà con nông dân vẫn nỗ lực, nhanh nhạy, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, chuyển hướng đầu tư phát triển sản xuất theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, chủ động liên kết sản xuất, tìm kiếm cơ hội để tiêu thụ sản phẩm để mang về những mùa xuân no, ấm.

Bài, ảnh: Tuấn Hùng

Tin cùng chuyên mục