Nông dân Tri Phú làm kinh tế

- Tuy là xã còn nhiều khó khăn của huyện Chiêm Hóa, nhưng những năm gần đây nông dân xã Tri Phú đã có những mô hình kinh tế nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sống.

Để giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, Hội Nông dân xã thường xuyên bám sát cơ sở, khảo sát tình hình đời sống của hội viên, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm hướng đi mới trong chăn nuôi và trồng trọt, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập cho người dân.


Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) sản xuất chuối dẻo.

Ông Hứa Văn Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Phú cho biết, giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội và phong trào nông dân tại địa phương. Trong đó, Hội đã linh hoạt, sáng tạo triển khai thực hiện các chương trình, tuyên truyền, vận động và định hướng cho hội viên các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất, chăn nuôi; tích cực vận động hội viên phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên của địa phương và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa cây con giống có giá trị vào nuôi, trồng; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình cho thu nhập cao.

Trong năm 2020, Hội đã thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội xét cho 42 hội viên vay vốn với tổng số tiền vay hơn 1,3 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ hiện tại lên trên 7,4 tỷ đồng với 199 hộ vay/7 tổ tiết kiệm và vay vốn. Với những mô hình kinh tế tiêu biểu như chăn nuôi lợn, trồng gấc, trồng tre chinh… đã giúp 61 hộ hội viên thoát nghèo trong năm 2020, nâng tổng số hộ hội viên khá, giàu lên 210 hộ. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, gia đình anh Triệu Văn Thắng, thôn Bản Tát đã trồng khoảng 7 ha tre chinh từ năm 2015. Mỗi năm gia đình anh thu về trên 20 tấn măng tươi. Gia đình anh đã xây lò sấy, sơ chế số măng tươi thu được làm măng khô cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện. Mỗi năm, gia đình anh thu được khoảng 1,6 tấn măng khô, bán được khoảng 200 triệu đồng. Số tiền đó được anh sử dụng vào việc xây dựng nhà, mua những trang thiết bị phục vụ sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, xe máy… Trong thôn cũng có nhiều gia đình đi lên nhờ cây tre chinh và mô hình kinh tế này vẫn đang tiếp tục được nhân rộng.

Hiện nay trên địa bàn xã có 2 Hợp tác xã, 1 tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi lợn. Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Hồng Phát được thành lập với 11 thành viên. Hoạt động chính của Hợp tác xã là sản xuất chuối dẻo, chuối sấy, trà đậu đen xanh lòng với nguyên liệu sẵn có của địa phương. Ông Triệu Văn Huy, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, các sản phẩm của Hợp tác xã đã được người tiêu dùng ưa thích, tin tưởng và đã có mặt tại các đại lý trong và ngoài tỉnh. Đây là tín hiệu vui đối với Hợp tác xã nói riêng và nông dân Tri Phú nói chung. Từ đây, các sản phẩm nông nghiệp của xã có đầu ra ổn định, người dân yên tâm lao động sản xuất, nâng cao kinh tế hộ gia đình đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Tri Phú tiếp tục định hướng, hỗ trợ các hội viên tham gia phát triển kinh tế nhằm nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo góp phần giúp các hội viên ổn định kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.     
 

Bài, ảnh: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục