Nuôi cá lồng bè mùa mưa lũ: Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

- Hồi đầu tháng 7-2020, các khu vực trong tỉnh mưa rất to gây lũ lớn trên sông Lô, đã làm 10 lồng cá đặc sản của Hợp tác xã Hoàn Tùng, xã Thắng Quân (Yên Sơn) bị lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng. Tại huyện Na Hang, do ảnh hưởng của mưa to làm lũ ở đầu nguồn đột ngột đổ về khiến cho 19 hộ nuôi cá lồng ở các xã Đà Vị, Yên Hoa, Khau Tinh bị mất trắng, thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng…

Đó là những con số cảnh báo để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn cho các lồng bè cá trước mùa mưa lũ năm nay, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”. Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản hướng dẫn phòng, chống nắng nóng, mưa lũ, lụt bão và giảm nhẹ thiên tai trong nuôi trồng thủy sản năm 2021. Theo đó, các hộ nuôi thủy sản phải thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến thời tiết để kịp thời phòng tránh mưa lũ có thể xảy ra; hộ nuôi lồng bè trên sông, hồ phải kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc; tăng cường vệ sinh lồng, lưới sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước được nhanh. Ngay từ đầu mùa lũ, các hộ kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào những nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây vỡ lồng.

Gia đình ông Lê Văn Sáng, tổ 4, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) kiểm tra lại lồng bè trước mùa mưa bão.

Là một trong những hộ nuôi cá lồng có quy mô lớn ở sông Lô, địa phận chảy qua phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang), ngay từ khi bắt đầu vào mùa mưa bão, gia đình anh Lê Văn Sáng, tổ 4, phường Nông Tiến, đã chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng cá của gia đình. Anh Sáng chia sẻ, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng, năm 2016 anh đã đầu tư 10 lồng nuôi cá với chi phí khoảng 30 triệu đồng/lồng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu tháng 5, gia đình anh đã mua thêm dây thừng, mỏ neo để gia cố lồng, các thành ngăn giữa các lồng nuôi. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng chủ động thu hoạch những loại cá đã đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thất thoát.

Đồng chí Trần Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 2.205 lồng nuôi cá trên sông, hồ thủy điện, tập trung chủ yếu ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang… Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các hộ nuôi cá lồng trên sông cần thường xuyên quan sát các dấu hiệu thiên nhiên, khi thấy môi trường nước đục, cá kém ăn và bơi lội chậm cần cung cấp ô xy bằng máy sục khí, thường xuyên vệ sinh lồng để luôn bảo đảm thông thoáng, cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cá tăng cường sức đề kháng. Vào thời gian có mưa bão, người nuôi cần giảm lượng thức ăn để tránh làm ô nhiễm môi trường nước dẫn đến thiếu ô xy, cá kém phát triển, thậm chí chết.

Đến thời điểm này, đa số diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được người dân triển khai thực hiện các biện pháp để bảo vệ nhằm hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
       

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục