Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng: Vẫn còn manh mún, tự phát

- Tỉnh ta có nhiều loại cây dược liệu dưới tán rừng quý như thảo quả, giảo cổ lam, khôi nhung, xạ đen, lan kim tuyến, trà hoa vàng, tam thất bắc... Tuy nhiên, với sự khai thác tràn lan các loài cây dược liệu này đang dần cạn kiệt. Để bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế từ cây dược liệu, các địa phương đã vận động người dân đưa cây dược liệu trồng dưới tán rừng, song việc phát triển cây dược liệu vẫn nhỏ lẻ, manh mún.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 460 ha cây được liệu được trồng theo các chương trình, dự án và trồng tự phát trong dân. Trong đó, các cây dược liệu dưới tán rừng khoảng hơn 100 ha, phần lớn tập trung ở các huyện vùng núi với các loại cây đặc trưng như thảo quả, giảo cổ lam, khôi nhung, xạ đen… Đối với người dân ở các huyện vùng cao việc nhận giao khoán bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế dưới tán rừng, khoanh nuôi, trồng cây dược liệu dưới tán rừng đang mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo.

Năm 2018, UBND xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) liên kết với Trường cao đẳng Bắc Bộ (Hà Nội) thực hiện mô hình trồng cây khôi nhung dưới tán rừng với 3 hộ tại thôn Thắm trồng thử nghiệm. Tham gia mô hình mỗi hộ được hỗ trợ 1.000 cây giống. Anh Ma Văn Trưởng, thôn Thắm cho biết, gia đình trồng 1.000 cây khôi nhung dưới tán rừng,  hiện mỗi năm gia đình thu được 120 kg lá được thương lái đến thu mua, từ đó gia đình có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh, thương lái thu mua nhỏ lẻ nên rất khó mở rộng diện tích.

Thành viên HTX Thanh Lan Duy (Lâm Bình) đóng gói sản phẩm cao do HTX tinh chế.

Không chỉ trồng cây khôi nhung, những năm gần đây người dân xã Hùng Mỹ trồng cây xạ đen, ước toàn xã trồng được 0,7 ha. Đồng chí Ma Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, xã cũng đã thử nghiệm nhiều loại cây dược liệu như bạc hà, sa chi, xạ đen, khôi nhung… nhưng cũng chỉ dừng lại ở mô hình, không nhân rộng được. Nguyên nhân là do đầu ra không ổn định, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân không bền chặt, đầu ra bấp bênh nên người dân không mặn mà.

Mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay việc phát triển cây dược liệu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún hầu hết chưa có các mối liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Các cây dược liệu quý chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác tự nhiên mà chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh; một số loài đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Cây dược liệu chỉ được người dân sơ chế mang bán tại chợ hoặc thương lái đến tận xã thu mua nên giá trị rất thấp.

Để nâng cao giá trị sản phẩm dược liệu, một số HTX, công ty đã  đầu tư chế biến sâu. Năm 2019, liên doanh HTX gồm HTX Thanh Lan Duy, HTX thanh niên Thượng Lâm tại huyện Lâm Bình liên kết trong phát triển chế biến sâu các sản phẩm từ cây dược liệu đặc trưng của địa phương như cao cà gai leo, cao giảo cổ lam. Anh Nguyễn Văn Liệu, thành viện HTX Thanh Lan Duy, xã Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, thành lập năm 2019 với 7 thành viên, ban đầu HTX cũng chỉ trồng cây dược liệu bán sản phẩm thô cho các công ty, tuy nhiên lợi nhuận không cao. Năm 2020, HTX chuyển hướng tinh chế, chế biến sâu các cây dược liệu thành sản phẩm cao. Anh Liệu so sánh “nếu bán 1kg giảm cổ lam thô cũng chỉ có giá từ 35.000 - 40.000 đồng nhưng cao giảo cổ lam có giá từ 1,5 - 1,6 triệu đồng/kg”.  Hiện mỗi tháng HTX chế biến được 60-70kg cao giảo cổ lam và cao cà gai leo, doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng, tạo việc làm cho 32 lao động địa phương với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hiện Công ty TNHH Nâng tầm giá trị Việt (Bắc Giang) đã ký hợp đồng bao tiêu 20kg sản phẩm cao của HTX Thanh Lan Duy mỗi tháng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất tinh chế, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu không nhiều. Nguyên nhân các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào chế biến dược liệu, bởi trở ngại khi khai thác và vận chuyển; sản lượng dược liệu không ổn định vì hiện nay người dân còn khai thác tự phát, quy mô nhỏ và chưa có tính định hướng. Do đó, thời gian tới cần có giải pháp cụ thể hơn, trên cơ sở tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa người dân, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp; đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, tăng cường mối liên kết trong trồng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết sản xuất xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm dược liệu.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng vừa cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế rừng, đa dạng hóa các sản phẩm từ rừng, trong đó có việc quy hoạch, đầu tư phát triển cây thảo dược dưới tán rừng; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển, chế biến cây dược liệu để mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng rừng.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục