Sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp

- Việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Việc thay đổi loại phân bón hóa học đang sử dụng sang các loại phân bón hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, cải tạo đất hiệu quả, trả lại cho đất lượng hữu cơ đã bị mất. Đây được coi là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Xu hướng

Giám đốc HTX chè Ngân Sơn, thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, những năm gần đây chất lượng chè giảm, chè dần mất giá. Theo anh Thắng, nguyên nhân chính là do người dân lạm dụng phân hóa học, thuốc kích mầm tràn lan làm đất dần bạc màu. Anh đã cùng các thành viên trong HTX quyết định loại bỏ hoàn toàn phân bón hóa học. Ban đầu chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, hơn 3 ha chè chuyển sang bón phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh khiến chè bị “sốc”, búp không phát triển trong vòng 1 năm, tuy nhiên những năm sau cây bắt đầu quen với quy trình sản xuất hữu cơ, phân hữu cơ, vườn chè dần cho búp trở lại, chất lượng chè ngon hơn. Hiện hơn 3 ha chè của HTX chè Ngân Sơn đã loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong sản xuất và được cấp chứng nhận sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Hiện HTX chủ yếu sử dùng các loại phân hữu cơ sinh học của các công ty uy tín sản xuất, ngoài ra với nguồn nguyên liệu sẵn có như các loại phân chuồng, tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp các thành viên đem ủ thành phân hữu cơ để chăm bón cho chè nên giảm được chi phí. Theo anh Thắng, chè chăm sóc theo quy trình hữu cơ, tốn công sức hơn, năng suất chè giảm 30%, nhưng đổi lại chè có chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao, do vậy giá bán tăng gấp 2 lần so với sản xuất thông thường. Từ 150.000 đồng tăng lên 300.000 - 400.000 đồng/kg, loại đặc biệt có giá 1,5 triệu đồng/kg.

Thành viên HTX chè Ngân Sơn thu hái chè chăm sóc theo quy trình hữu cơ.

Để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh đối với nhãn hiệu Bưởi đặc sản Phúc Ninh, xã Phúc Ninh (Yên Sơn), những năm gần đây người dân trong xã đã học tập, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ cho cây bưởi. Anh Tô Văn Bình, thôn Thái Ninh, xã Phúc Ninh cho biết, thông qua các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc bưởi theo hướng hữu cơ do xã tổ chức, gia đình anh đã áp dụng bón phân hữu cơ cho 4,5 ha cây ăn quả gồm 3 ha cam, 1,5 ha bưởi của gia đình. Theo anh Bình, phân hữu cơ để bón cho cây bưởi có thể tự làm được, rất đơn giản chỉ cần ủ đậu nành và cá theo tỉ lệ được hướng dẫn, thêm các loại men để tạo ra các loại phân hướng đạm hoặc kali. Chỉ sau 1 tháng ủ phân có thể đem ra bón cho cây trồng, với cách làm này gia đình anh Bình giảm được chi phí, cây trồng khỏe, chất lượng ngọt, cho năng suất ổn định.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã vào khoảng hơn 3.000 ha. Tuy nhiên hiện xã mới có hơn hơn 34,5 ha bưởi, cam được chăm sóc theo quy trình hữu cơ. Từ việc được cấp nhãn hiệu bưởi đặc sản xã Phúc Ninh và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xã Phúc Ninh đang đẩy mạnh vận động người dân thực hiện chăm sóc cây ăn quả theo quy trình hữu cơ, để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với đó tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển thêm các diện tích cây ăn quả theo hướng hữu cơ.

Còn nhiều khó khăn

Theo ông Hà Lê Bình, Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh cho biết, tỉnh ta có tiềm năng về phát triển phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi. Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi ích, nhưng tỷ lệ sử dụng sản phẩm phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chỉ tập trung vào một số loại cây trồng chủ lực nhưng diện tích áp dụng bón phân hữu cơ còn rất khiêm tốn. Toàn tỉnh hiện mới chỉ có khoảng 30 ha cam Hàm Yên và 34,5 ha bưởi được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ. Theo ông Bình, có nhiều nguyên nhân người dân vẫn thường sử dụng phân bón vô cơ trong sản xuất như: phân bón vô cơ tác động nhanh đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, mẫu mã sản phẩm đẹp, tiện lợi ít tốn công...

Theo nhiều hộ dân, sản xuất phân hữu cơ mất nhiều thời gian và công lao động, từ việc xử lý nguyên liệu và chờ đợi nguyên liệu phân hủy thành phân tốn thời gian. Do vậy, dù nhận thức việc tự sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng là giải pháp hiệu quả, nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường, tuy nhiên không phải hộ nào cũng có thể tự sản xuất được. Bà Nguyễn Thị Hành, thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, gia đình bà có 4 sào rau vụ đông, mặc dù đã nghe cán bộ xã, cán bộ khuyến nông khuyến khích nên chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ để xuất bán cho các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn, nhưng một phần vì thiếu lao động, một phần vì giá phân chuồng trên địa bàn  khá cao nên gia đình thường bón phân vô cơ cho nhanh. 

Ngoài ra, do số lượng các cơ sở sản xuất các loại phân hữu cơ quy mô lớn trên địa bàn tỉnh hiện giờ cũng tương đối ít, chủng loại các mặt hàng phân bón hữu cơ chưa nhiều, giá bán lại cao, trong khi loại phân này tác động vào cây trồng lại chậm khiến cho người dân còn e ngại khi sử dụng. Thêm một nguyên nhân nữa là người dân chưa tiếp cận, tìm hiểu về cân đối lượng phân, loại phân phù hợp từng loại đất, đối tượng cây trồng, mùa vụ và thời kỳ sinh trưởng phát triển khác nhau của cây trồng sao cho có hiệu quả cao nhất.

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh ta sẽ có 56 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 1.200 ha; đến năm 2030 có 65 vùng, diện tích là 2.000 ha. Để đạt được con số này, cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích từ việc sử dụng phân bón hữu cơ mang lại; tăng cường liên kết, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, cùng với đó tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục