Thu hoạch cây trồng vụ đông

- Niềm vui được mùa, được giá đang lan tỏa khắp các cánh đồng rau màu vụ đông trên toàn tỉnh. Để tiếp nối những mùa màng bội thu, thời gian này người dân đang tập trung thu hoạch rau màu, chuẩn bị các điều kiện để bước vào sản xuất vụ xuân 2022.

Vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao

Vụ đông năm nay toàn tỉnh trồng được 8.538/7.680 ha ngô, vượt 11,2% và 3.889,4/4.655 ha cây rau màu các loại, bằng 83,6% kế hoạch. Tại một số huyện như Sơn Dương, Chiêm Hóa, Lâm Bình, vụ đông luôn được xác định là vụ sản xuất chính cùng với 2 vụ lúa. Do vậy, việc quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống đều có sự gắn kết cả 3 vụ là rất quan trọng. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm giải phóng đất kịp thời cho vụ xuân theo kế hoạch đề ra nên thời gian này người dân đang tập trung thu hoạch cây vụ đông sớm như dưa chuột, cà chua, rau cải, bắp cải, còn lại các cây rau màu ưa lạnh như su hào, súp lơ, khoai lang, khoai tây người dân đang tập trung chăm sóc và thu hoạch đầu tháng 12 Âm lịch, giải phóng đất, xuống giống sản xuất vụ xuân.

Người dân xã Ninh Lai (Sơn Dương) làm đất chuẩn bị sản xuất vụ xuân.

Trên cánh đồng thôn Tứ Thể, xã Đại Phú (Sơn Dương) người dân đã tập trung thu hoạch rau cải, súp lơ, đỗ, dưa chuột. Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Tứ Thể cho biết, vụ đông năm nay gia đình trồng 5 sào rau trên đất 2 lúa, trong đó có 3 sào trồng su hào, rau cải và 2 sào súp lơ. Năm nay súp lơ được giá, giá bán tại ruộng 10.000 đồng/cây, gia đình thu lãi 15 triệu đồng, còn lại diện tích su hào sẽ được thu hoạch sau 1 tháng nữa. Như vậy, gia đình vẫn kịp làm đất cấy lúa vụ xuân.

Với chủ trương phát triển vụ đông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngay từ đầu vụ, huyện Chiêm Hóa đã giao chỉ tiêu cụ thể về diện tích cho từng địa phương; chú trọng mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, như ngô làm thức ăn chăn nuôi, dưa chuột, các loại rau màu… Cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong sản xuất vụ đông; tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Năm nay, huyện Chiêm Hóa đã gieo trồng được 3.835,2/3.848 ha cây vụ đông, đạt 99,6% kế hoạch, trong đó cây ngô 2.953,3 ha, còn lại là diện tích rau màu các loại. Hiện diện tích ngô làm thức ăn gia súc đang trong quá trình vào chắc hạt; các loại cây rau màu như  dưa chuột, đỗ, rau cải, bắp cải, cà chua, súp lơ… đã vào vụ thu hoạch.

Bà Ngô Thị Bạn, thôn Làng Bục, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết, vụ đông năm nay gia đình chuyển sang trồng 500 m2 cây dưa chuột, sau 40 ngày trồng dưa chuột bắt đầu cho thu hoạch và chỉ trong 60 ngày đã thu hoạch xong diện tích dưa chuột, gia đình vẫn có thời gian cho đất nghỉ trước khi bước vào sản vụ xuân.

Bà Ngô Thị Bạn, thôn Làng Bục, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) thu hoạch dưa chuột vụ đông.

Còn hơn 1 tháng nữa sẽ bắt đầu sản xuất vụ xuân, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, đối với cây trồng vụ đông thu hoạch đến đâu bà con tập trung làm đất ngay đến đó; triển khai các biện pháp diệt thiên địch gây hại, đặc biệt là chuột, bởi chuột là đối tượng gây hại chính cho sản xuất vụ xuân. Đây là thời điểm rất thích hợp, khi cây vụ đông thu hoạch hết, chuột co cụm ở một số điểm, bà con cần triển khai các biện pháp bắt, diệt.

Để nâng cao hiệu quả vụ xuân hệ thống kênh mương, thủy lợi cũng đang được gấp rút tu sửa nạo vét, đẩy nhanh tiến độ lắp ghép mương bê tông đúc sẵn; các hồ chứa, đập, phai đã tiến hành tích nước đảm bảo cho sản xuất vụ xuân.

Tuân thủ cơ cấu giống, khung thời vụ

Vụ xuân có thời tiết khắc nghiệt, rét kèm theo các đợt sương muối gây hại cho cây trồng. Các đợt rét đến sớm và được dự báo trong năm sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại hơn mọi năm, do vậy ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân tuân thủ cơ cấu giống cũng như khung thời vụ.

Người dân xã Thổ Bình (Lâm Bình) thu hoạch ngô đông giải phóng đất chuẩn bị sản xuất vụ xuân.

Cơ cấu giống lúa gồm: Iri 352, N97, J02, Nhị ưu 838, BC15, Tạp giao 1, Thái Xuyên 111, GS9; giống lúa nếp N97 và giống chất lượng cao Bắc thơm số 7; Thiên ưu 8, TBR 225, TBR 279, Hà Phát 3 và giống chất lượng HT1, T10, Đài thơm 8, Bắc Hương 9… Toàn tỉnh sản xuất chủ yếu trà chính vụ và trà muộn, thời gian gieo mạ trà chính vụ  từ ngày 25 đến ngày 30-12-2020, cấy từ ngày 25 đến ngày 30-1 khi mạ được 3 đến 4 lá. Đối với trà muộn chủ yếu gieo sạ từ ngày 5-2 đến ngày 15-2 và kết thúc trà muộn chậm nhất ngày 5-3 dương lịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện thông tin đầy đủ, chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện nghiêm khung lịch thời vụ; sử dụng các giống nằm trong cơ cấu giống của tỉnh. Đây là các giống lúa đã được khảo nghiệm, khả năng chống chịu rét tốt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, cũng như sâu, bệnh hại trong vụ xuân. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, vật tư, phân bón trên toàn địa bàn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng buôn, bán giống nằm ngoài danh mục, phân bón không đảm bảo tiêu chuẩn ảnh hưởng đến sản xuất.           

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục