Triển khai các chính sách hỗ trợ về nông nghiệp: Các địa phương cần quyết liệt hơn

- Các chính sách hỗ trợ về nông nghiệp liên tiếp được ban hành, như một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc triển khai đi vào cuộc sống của nhiều chính sách hiện vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.

Người sản xuất gặp khó

Liên tiếp trong 3 năm, từ 2019 đến 2021, nhiều Nghị quyết hỗ trợ về nông nghiệp đã được HĐND tỉnh ban hành. Trong đó có Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 1-8-2019 về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15-12-2020 quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND ngày 16-7-2021 hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới. Đây là những chính sách thiết thực, được kỳ vọng sẽ tạo cú huých để hình thành nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn hỗ trợ tại nhiều địa phương vẫn khá gian nan. 4 năm theo đuổi nông nghiệp hữu cơ, là 4 năm các thành viên Hợp tác xã Trái cây hữu cơ Phúc Ninh (Yên Sơn) đặt cược nguồn thu của cả gia đình vào những vườn cây “sạch”.

Thời điểm cạn kiệt vốn, Giám đốc Hợp tác xã trái cây hữu cơ Phúc Ninh Tạ Văn Quang đã phải bán một nửa diện tích cây ăn quả của gia đình để lấy vốn tiếp tục duy trì mô hình và trang trải cuộc sống. Ở Phúc Ninh, đã có nhiều người theo đuổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng phải bỏ dở giữa chừng do khó khăn về vốn, đầu ra và cả những yêu cầu khắt khe của quá trình sản xuất. Ông Quang cho biết, mình cũng đã tính bỏ hữu cơ để quay trở về với sản xuất truyền thống, nhưng ngay khi ông manh nha ý định dừng, thì Nghị quyết 06 ra đời. Những tưởng đây sẽ là cứu cánh cho các thành viên trong hợp tác xã, nhưng sau hơn 2 năm nộp hồ sơ, hiện đơn vị vẫn chưa được duyệt hồ sơ hỗ trợ.  

Mô hình trồng rau thủy canh của người dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).

Giám đốc Hợp tác xã trái cây hữu cơ Phúc Ninh Tạ Hữu Quang cho biết, với những hợp tác xã nông nghiệp như Hợp tác xã trái cây hữu cơ Phúc Ninh, sản xuất hữu cơ vừa mất thời gian, công sức, năng suất giảm sút so với sản xuất thông thường, trong khi giá bán sản phẩm lại không nhỉnh hơn là bao so với các sản phẩm khác. Tuy nhiên, việc đặt quá nhiều điều kiện khiến việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ với sản xuất hữu cơ, việc hỗ trợ các hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất theo chuỗi liên kết cũng chưa có biến động. Theo số liệu báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến thời điểm này, chỉ có Nghị quyết 03 đã giải ngân được gần 20 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng. Còn lại Nghị quyết 06, Nghị quyết 11 chưa có dư nợ. Nguyên nhân được chỉ ra là do chưa có đối tượng đáp ứng tiêu chí hỗ trợ của chính sách.

Cần địa phương quyết liệt hơn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến các Nghị quyết hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp chậm đi vào cuộc sống, như các điều kiện phải có sản phẩm, có dự án được phê duyệt, và phải đảm bảo quy hoạch. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính là do sự thiếu sát sao, quyết liệt của các địa phương.

Ông Việt minh chứng, các dự án tham gia chuỗi liên kết được các địa phương xây dựng, đưa vào danh mục rất nhiều, nhưng khi kiểm tra thực tế, số dự án đủ điều kiện để được hướng dẫn xây dựng dự án chỉ tồn tại vài 3 dự án.

Như tại huyện Yên Sơn, địa phương này đề xuất 9 dự án hỗ trợ theo Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh, nhưng sau khi rà soát, chỉ còn lại 3 dự án đủ điều kiện.

Hay tại Sơn Dương, trong số 7 dự án dự kiến tham gia chuỗi liên kết, qua rà soát lại, chỉ còn 3 dự án đủ điều kiện để đăng ký thực hiện trong năm 2023.

Mô hình sản xuất cam hữu cơ của Hợp tác xã cam sành Sơn Nữ, huyện Hàm Yên.

Hay như ở thành phố Tuyên Quang, giai đoạn 2022 - 2024 có 2 mô hình được đề xuất hỗ trợ tham gia chuỗi liên kết là chuỗi liên kết rau củ quả và chuỗi gạo, đều ở phường Ỷ La. Tuy nhiên, cũng chỉ có 1 dự án đảm bảo điều kiện là chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gạo. Theo đồng chí Lê Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Ỷ La, qua rà soát, thẩm định, chuỗi liên kết sản xuất gạo của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Ỷ La hiện đang hoàn thiện các thủ tục chờ UBND thành phố phê duyệt chủ trương.

Đây là một trong những hợp tác xã có truyền thống về sản xuất nông nghiệp và đã tham gia thực hiện đồng bộ tất cả các khâu trong nhiều năm. Trong giai đoạn 2022 - 2024, vùng sản xuất tập trung gạo ở Ỷ La được quy hoạch tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ gạo là hơn 400 ha. Trước đó, tất cả các khâu từ cung ứng vật tư phân bón, cung ứng dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm đến thời điểm đã được Hợp tác xã thực hiện.

Chuỗi liên kết còn lại, theo ông Lộc, sẽ khó thực hiện trong lâu dài vì hiện nay, cái khó trong sản xuất nông nghiệp của phường hiện nay là quá trình đô thị hóa đã tác động lớn đến diện tích sản xuất của địa phương. Chuỗi liên kết rau vì thế cũng không đảm bảo diện tích, việc quy hoạch vùng sản xuất cũng khó bền vững.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho rằng, nếu chính quyền các địa phương sát sao hơn, từ khi thẩm định các dự án đăng ký hỗ trợ, thì sẽ kéo ngắn thời gian thụ hưởng của các cá nhân, tổ chức. Vì trên thực tế, tỉnh đã bố trí nguồn lực, ngành cũng sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về kỹ thuật… trong khi ở địa phương, việc rà soát, lựa chọn đối tượng hỗ trợ vẫn khá chậm. Thêm vào đó, việc tuyên truyền các chính sách này ở một số địa phương còn chưa thực sự tốt, dẫn đến việc người dân, tổ chức tiếp cận được chính sách chưa triệt để.

Chỉ khi nào giải quyết được tồn tại này, theo ông Việt, việc triển khai các chính sách về nông nghiệp nói riêng và nhiều chính sách hỗ trợ khác nói chung mới nhanh chóng, thuận lợi đi vào cuộc sống.

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục