Trồng cây gây rừng

- Tết trồng cây đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ mùa xuân 1960. Hơn 60 năm trôi qua, thực hiện lời dạy của Bác, phong trào trồng cây, trồng rừng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Tuyên Quang nói riêng tích cực tham gia hưởng ứng. Từ đó, độ che phủ rừng ngày càng tăng đã đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế - xã hội và môi trường đối với cuộc sống con người.

Lan tỏa tinh thần trồng rừng

Hàng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch và phát động Tết trồng cây vào dịp đầu năm nhằm vận động, khuyến khích các đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn tham gia tích cực vào việc trồng cây gây rừng. Những năm gần đây, việc xã hội hóa trồng cây xanh có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động mua cây xanh và tổ chức thực hiện Tết trồng cây đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả. Các địa phương đều lấy Lễ phát động Tết trồng cây xuân Nhâm Dần làm động lực khởi đầu cho vụ trồng rừng năm 2022. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới trên 10.300 ha rừng tập trung, rừng đặc dụng và rừng phân tán. Các địa phương và nhân dân đã chủ động thu dọn thực bì và tiến hành cuốc hố. Nguồn cây giống phục vụ trồng rừng cũng được các cơ sở gieo ươm đáp ứng đầy đủ. Tính đến giữa tháng 1-2022, các vườn ươm trên địa bàn đã gieo ươm được gần 7 triệu cây giống, với các giống cây keo giâm hom, keo hạt, keo lai mô, lát, xoan…

Sau lễ phát động Tết trồng cây, các địa phương trên địa bàn huyện Sơn Dương đã bắt đầu thực hiện kế hoạch trồng mới 1.765 ha rừng, trong đó trồng 1.680 ha rừng tập trung, 85 ha cây phân tán. Tại xã Hợp Hòa công tác thiết kế trồng 60 ha rừng sản xuất năm 2022 đã được triển khai. Đồng chí Bùi Trí Dương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ninh Hòa cho biết, vụ xuân 2022 thôn trồng mới 40 ha, nhiều nhất xã. Trong đó, 25 ha được thiết kế trồng cây giống chất lượng cao tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Đối với diện tích vườn đồi thấp của người dân sẽ tự chuẩn bị cây giống. Rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế nên người dân đã chủ động trồng lại ngay sau khai thác.

Cán bộ kiểm lâm huyện Sơn Dương hướng dẫn người dân thôn Ninh Hòa, xã Hợp Hòa (Sơn Dương)
cuốc hố đúng kích cỡ trồng keo.

Ông Trịnh Ngọc Ba, thôn Ninh Hòa có trên 20 ha rừng, năm 2021 ông khai thác 9,6 ha thu 700 triệu đồng, hiện ông đã đăng ký hỗ trợ cây giống, thuê người cuốc hố, chuẩn bị điều kiện để khi có cây giống là tiến hành trồng luôn. Ông chia sẻ, chính sách hỗ trợ cây giống của tỉnh đã giúp cho người dân như ông càng tâm huyết với rừng hơn. Vụ này, ông trồng 9,6 ha, nếu mua cây giống mất gần 40 triệu đồng mà chưa chắc đã mua được cây giống chất lượng như được tỉnh hỗ trợ.

Huyện Chiêm Hóa năm 2022 phấn đấu trồng mới 2.106 ha rừng, trong đó trồng rừng sản xuất 1.952 ha, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng trên 66%. Ngay trong ngày phát động Tết trồng cây, toàn huyện đã trồng trên 32 ha rừng. Sức lan tỏa từ lễ phát động đã tạo động lực cho nhân dân bắt đầu vụ trồng rừng mới. Gia đình ông Ma Công Chu, thôn Trung Sơn, xã Tân Mỹ có 29,6 ha rừng trồng cây keo. Ông Chu cho biết, đầu năm 2021, gia đình bán 4 ha rừng thu về trên 200 triệu đồng. Hiện đang thuê thêm người cuốc hố, đảm bảo sẽ trồng xong trong tháng 3 để cây đón mưa xuân, phát triển tốt.

Xã Tân Mỹ có 5.200 ha đất rừng. Diện tích trồng và khai thác rừng hàng năm là gần 100 ha, đây là điều kiện để xã phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đồng chí Đồng Văn Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ khẳng định: Để đạt mục tiêu trồng mới 70 ha rừng sản xuất năm nay, ngay sau lễ phát động Tết trồng cây, xã trồng được 5 ha, diện tích còn lại UBND xã đã cử cán bộ xuống từng thôn cùng với cán bộ thôn hướng dẫn người dân trồng rừng trong vụ xuân để cây phát triển tốt.  

Việc tổ chức trồng cây trong những ngày đầu xuân góp phần quan trọng lan tỏa khí thế mới, quyết tâm mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Vì một Việt Nam xanh”. 

Giá trị kinh tế từ rừng

Rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh đã phát triển lớn về diện tích nhưng chưa phát huy hiệu quả kinh tế so với tiềm năng thế mạnh. Chính vì thế, tỉnh đã có nhiều chính sách giúp người dân thu lợi từ kinh tế rừng hiệu quả như quy hoạch 3 loại rừng; hỗ trợ cây giống chất lượng cao; hỗ trợ kinh phí cấp chứng chỉ FSC; thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ lớn…

Huyện Yên Sơn có trên 65.300 ha rừng. Huyện Yên Sơn đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế từ rừng, diện tích lớn tập trung ở các xã Tân Long, Phú Thịnh, Tiến Bộ, Nhữ Hán, Nhữ  Khê, Trung Minh… Nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư vốn, chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp trồng hàng chục ha rừng. Ngoài ra, Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn, Tuyên Bình, Nguyễn Văn Trỗi đóng trên địa bàn cũng mở rộng hình thức liên doanh với các hộ nông dân và công nhân của công ty cùng góp vốn tham gia trồng rừng và hưởng lợi từ rừng. Trung bình mỗi năm, huyện trồng mới trên 3.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 61%; sản lượng khai thác gỗ hàng năm của huyện đạt khoảng 200.000 m3.

 Người dân xóm 7, xã Tràng Đà trồng rừng sản xuất năm 2022.

Năm 2022, huyện Yên Sơn có kế hoạch trồng 3.090 ha rừng, gồm hơn 3.000 ha rừng tập trung và 90 ha cây phân tán. Ông Đậu Xuân Hậu, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Sơn nhấn mạnh, rừng mang lại giá trị kinh tế nên giờ không phải vận động người dân trồng rừng nữa mà cán bộ kiểm lâm phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn người dân trồng đảm bảo kỹ thuật và mật độ để rừng phát triển tốt. Đồng thời, hướng dẫn người dân về công tác chăm sóc cũng như bảo vệ và phát triển rừng.

Nâng cao giá trị kinh tế rừng, năm 2016, huyện Yên Sơn đã triển khai thực hiện việc quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Đến nay, toàn huyện có hơn 17.000 ha rừng FSC, giá trị gỗ rừng trồng tăng lên từ 10 đến 15%. Huyện phấn đấu mỗi năm có thêm ít nhất 2.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, nâng giá trị kinh tế rừng trồng đạt trên 130 triệu đồng/ha/chu kỳ 7 - 8 năm.

Đối với xã Thành Long (Hàm Yên) phát triển lâm nghiệp là nguồn thu nhập chủ yếu của người dân. Anh Bùi Văn Hoài ở thôn Thành Du trồng 7 ha cây keo lai cấy mô đã 6 năm tuổi được cấp chứng chỉ FSC. Anh Hoài cho biết, 7 ha keo nếu khai thác sẽ cho từ 1.200 - 1.300 tấn gỗ, với giá thị trường hiện tại, anh thu được khoảng1 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập anh Hoài chưa từng nghĩ đến.

Đồng chí Phạm Văn Khang, Phó chủ tịch UBND xã Thành Long cho biết, xã có 1.149 ha đất rừng sản xuất, phát huy lợi thế này, UBND xã đã khuyến khích người dân trồng keo cấy mô, chu kỳ chừng 4 - 5 năm cho khai thác để làm nguyên liệu giấy. Thấy hiệu quả từ việc đầu tư trồng rừng, người dân trong xã đã chuyển đổi đất cây lâu năm không hiệu quả sang trồng cây keo lai cấy mô. Đến nay, người dân trong xã đã trồng được gần 1.149 ha keo, trong đó hơn 682 ha keo được cấp chứng chỉ FSC. Theo tính toán, hiện tại 1 ha keo nguyên liệu chu kỳ từ 3 - 4 năm cho giá trị từ 80 - 90 triệu đồng, keo được cấp chứng chỉ FSC cho giá trị 180 triệu đồng. Tận dụng dưới tán rừng, người dân đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, ong mật.

Toàn tỉnh hiện có trên 233.000 ha rừng tự nhiên; trên 182.000 ha rừng trồng sản xuất, chiếm 12,27% toàn vùng trung du miền núi phía Bắc. Hàng năm, tỉnh trồng mới trên 10.000 ha rừng sản xuất, trong đó có trên 1.000 ha rừng trồng bằng giống cây chất lượng cao. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh luôn ở mức 65%, đứng 3 toàn miền Bắc và nằm trong tốp đứng đầu cả nước có độ che phủ của rừng cao.              

Bài, ảnh: Mỹ An

Tin cùng chuyên mục