Trồng nấm hương - hướng đi mới ở Sơn Phú

- Cùng với việc đẩy mạnh phát triển trồng các giống cây thế mạnh của địa phương như xoan, mỡ, chè Shan tuyết, tre lấy măng, xã Sơn Phú (Na Hang) đang phát triển nấm hương, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ lâu, nấm hương rừng là đặc sản vùng cao được người tiêu dùng, nhất là ở miền xuôi rất ưa chuộng. Tận dụng điều kiện tự nhiên phù hợp, hiện nay bà con xã Sơn Phú đang đẩy mạnh trồng nấm hương để cung cấp cho thị trường, tiến xa hơn sẽ trở thành sản phẩm OCOP của xã.

Đồng chí Triệu Tiến Phin, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, nấm hương đang được hơn 30 hộ dân thôn Phia Trang, Nà Cọn trồng trên hơn 50 m3 gỗ, sản lượng ước đạt trên 1 tấn nấm tươi/kỳ thu hái. Mỗi năm, nấm hương cho thu hoạch 4 vụ. Hiện nay, xã đang vận động bà con nhân rộng mô hình nhưng không phát triển ồ ạt. Xã đã vận động các hộ trồng nấm thành lập hợp tác xã; tạo điều kiện cho các hộ dân quảng bá sản phẩm tại các hội chợ nông sản, chợ đêm huyện Na Hang. Đồng thời, liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Người dân thôn Phia Chang, xã Sơn Phú (Na Hang) trồng nấm hương rừng cho hiệu quả kinh tế cao. 

Là một trong những hộ thoát nghèo nhờ trồng nấm hương, ông Triệu Phúc Hướng, thôn Nà Cọn phấn khởi cho biết, gia đình có hơn 1 m3 gỗ trồng nấm hương. Để trồng được nấm hương phải chọn loại gỗ không có tinh dầu, cây còn tươi tốt, không sâu bệnh sau đó khoan tạo lỗ trên đoạn gỗ với đường kính lỗ 1,5 cm, sâu 3 - 4 cm, cứ cách 15 - 20 cm tạo một lỗ, hàng nọ cách hàng kia 7 - 10 cm, các lỗ so le nhau để cấy giống nấm, sau 2 đến 3 tháng là cho thu hoạch. Đến nay, cây sinh trưởng và phát triển mạnh, bình quân mỗi vụ thu hoạch cho gia đình ông hơn 1 tạ nấm tươi, với giá bán từ 150 đến 200 nghìn đồng/kg, nhờ trồng nấm hương mà gia đình đã có cuộc sống ổn định hơn.

Nhận thấy điều kiện tự nhiên phù hợp để trồng nấm hương, anh Bàn Văn Dấu, thôn Phia Trang đã đầu tư trồng nấm trên hơn 2 m3 gỗ. Theo anh Dấu, trồng nấm không đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật trồng cũng không khó, nhưng phải chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước, chăm sóc. Nghề trồng nấm không chỉ cần sự kiên trì, tỉ mỉ mà còn đòi hỏi người trồng biết quan sát, để ý từng thời kỳ phát triển của nấm để có sự can thiệp kỹ thuật kịp thời. Bên cạnh đó, việc thu hoạch nấm sớm hay muộn cũng ảnh hưởng đến chất lượng nấm để bán được giá hay không trên thị trường. Vụ vừa qua, gia đình anh thu về trên 3 tạ nấm tươi, với giá bán 150 đến 200 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí thu lãi trên 30 triệu đồng. Với hiệu quả bước đầu mà nghề trồng nấm hương mang lại, trong thời gian tới anh Dấu sẽ tiếp tục đầu tư thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất.

Mô hình trồng nấm hương ở Sơn Phú bước đầu cho hiệu quả kinh tế, phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay, trở thành hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Sơn Phú.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục