Vài suy nghĩ về “giải cứu” nông sản cho nông dân

- Đại dịch COVID-19 đang hoành hành dữ dội trên khắp thế giới, trong đó có nước ta. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới WHO dịch sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian dài nữa. Do ảnh hưởng của đại dịch, các sản phẩm nông sản hết sức khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta liên tục có các hoạt động chung tay “giải cứu” nông sản hàng hóa giúp nông dân như “giải cứu” cam sành ở Hàm Yên; rau, củ, quả ở Yên Nguyên (Chiêm Hóa); nhãn Thái Bình, na Lực Hành (Yên Sơn); dưa lưới (Kháng Nhật, Sơn Dương)…  Đây là những việc làm hết sức ý nghĩa cùng chia sẻ, giúp người nông dân sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng vào vấn đề thì việc “giải cứu” trên cũng chỉ là giải pháp tình thế. Giải quyết tình trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ hơn, để việc sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn tránh được tổn thất do mất giá, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nông dân.

Để tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa cho nông dân một cách cơ bản, lâu dài, mở đường cho nông nghiệp nông thôn phát triển; nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và đời sống của người nông dân đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng trong tỉnh phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện chặt chẽ; doanh nghiệp và nông dân phải cùng đồng hành để khắc phục nguyên nhân của những hạn chế đang kìm hãm sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ đó đưa ra các giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng, xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Việc đầu tiên là phải làm tốt công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa. Làm tốt việc này sẽ giúp người nông dân từng bước khắc phục được việc sản xuất theo tâm lý đám đông, dẫn đến “được mùa nhưng mất giá”, buộc phải bán tháo hoặc đổ bỏ sản phẩm mình làm ra.

Việc tiếp theo là phải hình thành chuỗi sản xuất bền vững, mở rộng thị trường. Sản xuất nông sản hàng hóa phải xây dựng được thị trường, việc chạy đua sản xuất một số loại nông sản (cam, bưởi…) phá vỡ quy hoạch sẽ dẫn đến những rủi ro lớn. Do vậy việc tổ chức lại sản xuất và liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ là việc cần phải làm quyết liệt chứ không thể tuyên truyền chung chung. Cần ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị. Khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất nông nghiệp. Công nghệ sản xuất lạc hậu là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo. Do vậy cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm có giá trị gia tăng cao.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là phải coi trọng và phát huy tốt vai trò của Hợp tác xã trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn. Xác định kinh tế hợp tác là một giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ở nhiều địa phương. Phát huy vai trò của Hợp tác xã trong quá trình hợp tác và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tôn vinh và nhân rộng kịp thời các tấm gương điển hình, các mô hình hiệu quả tạo hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa sâu rộng trong sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa có giá trị cao.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục