Xây dựng nông thôn mới Không ngừng, không nghỉ

- Cán đích nông thôn mới không có nghĩa là chặng đường đã dừng lại. Nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, dù chưa nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng đã chủ động đặt kế hoạch cho từng chỉ tiêu, nỗ lực chuẩn hóa từng tiêu chí sớm nhất có thể. Trong đó, một trong những trọng tâm của quá trình này là liên tục nâng cao hơn nữa thu nhập của người nông dân.

Chủ động để đón đầu

Không dừng lại ở những mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo quy mô gia trại, trang trại, ở Kim Bình (Chiêm Hóa), lần đầu tiên một mô hình trồng dưa trong nhà màng được các thành viên Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình bỏ vốn thực hiện đã đem lại thay đổi lớn trong nhận thức làm nông nghiệp của người nông dân nơi đây. Phó Giám đốc Hợp tác xã Lục Văn Thùy cho biết, mô hình này đòi hỏi số vốn lớn (hơn 1,4 tỷ đồng cho 2.200 m2), nên khi tham gia, mọi công đoạn đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo “chắc thắng”.  

Chủ tịch UBND xã Kim Bình Ma Đình Vũ cho biết, khi hợp tác xã còn phân vân với việc đầu tư vào mô hình nông nghiệp công nghệ cao vì số vốn lớn, UBND xã đã chủ động tìm kiếm nhiều nguồn vốn để hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Đồng thời, hỗ trợ kết nối với các bên liên quan để tìm đầu ra cho sản phẩm. Không dừng lại ở những nỗ lực này, 1 đồng chí lãnh đạo UBND xã trực tiếp tham gia vào thành viên ban quản trị, góp vốn cùng với hợp tác xã để cùng với hợp tác xã duy trì mô hình trong tương lai.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của người dân xã Kháng Nhật (Sơn Dương).

Lứa đầu tiên, Hợp tác xã trồng dưa baby, ngay sau đó là trồng dưa lưới... Người không nghỉ, vườn không nghỉ, Hợp tác xã nông lâm nghiệp Kim Bình dự kiến, mỗi năm sẽ trồng 4 lứa dưa các loại, mỗi lứa sẽ thu về trên dưới 200 triệu đồng tiền bán quả.
Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bình Hứa Văn Hậu - thành viên góp vốn cùng với hợp tác xã thực hiện mô hình này tự tin, với mô hình này, Kim Bình đã hoàn thành tiêu chí có mô hình nông nghiệp công nghệ cao để tự tin đăng ký nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo lộ trình đề ra.

Thôn Ngọc Quang được xã Kim Bình lựa chọn xây dựng thôn nông thôn mới nâng cao. Trưởng thôn Ngọc Quang Phùng Văn Nguyên cho biết, ngay khi được xã lựa chọn xây dựng thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu, thôn tập trung vào giải bài toán khó nhất là làm sao nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân.

Câu hỏi này may mắn được UBND xã đồng hành tìm lời giải. Những diện tích đất vườn, đất ruộng kém hiệu quả được xã lựa chọn nhiều loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao đưa về thôn. Ngọc Quang giờ đã có 10 ha gấc, gần 2 ha chanh leo và 25 ha các loại cây ăn quả.

Khu vườn trồng chanh của anh Ma Vĩnh Tích cũng được xã lựa chọn xây dựng vườn mẫu. Anh Tích bảo, trước đây mình cũng như nhiều người ở thôn tận dụng diện tích đất vườn để trồng đủ các loại cây. Mỗi thứ cây một khoảnh, không quy củ, không khoa học, chỉ là mùa nào thức nấy. Sau này, được đi học hỏi nhiều nơi, anh quyết định tập trung vào một loại cây trồng phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, lại ổn định đầu ra là cây chanh tứ mùa theo hướng hữu cơ. Cách làm này đã từng bước giúp gia đình anh Tích có thu nhập ổn định. 2 ha chanh hàng năm thu hoạch 3 lần/năm, năng suất đạt 10 - 15 tấn, giá bán bình quân thời điểm này dao động từ 15 - 20 triệu đồng/tấn. Tổng doanh thu của 01 năm sau khi đã trừ đi các loại chi phí gia đình anh Tích thu về  khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm.

Hành trình không ngừng nghỉ

Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025, ngoài mục tiêu có ít nhất 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh sẽ có trên 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Anh Lã Quý Cảnh, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) chuẩn bị các điều kiện thành lập hợp tác xã chăn nuôi gà.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất các cây con chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất” với việc xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương tập trung thực hiện.

Tại huyện Yên Sơn, để đảm bảo nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã quy hoạch, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hình thành các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, toàn huyện có 24 sản phẩm đã được chuẩn hóa, các sản phẩm bước đầu đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, trong đó có 15 sản phẩm của 8 HTX đã được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (5 sản phẩm xếp hạng 4 sao; 10 sản phẩm xếp hạng 3 sao).

Xã Thái Bình, một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài mô hình ghép cải tạo và chăm sóc vườn nhãn chất lượng cao xã Thái Bình, vùng trồng nhãn tập trung với trên 140 ha, xã khuyến khích bà con nông dân trồng nhãn kết hợp phát triển nghề nuôi ong lấy mật từ nguồn hoa nhãn dồi dào. Ở Thái Bình, thương hiệu Mật ong Bình Ca đã có chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh; ngoài ra các dự án chăn nuôi gà lông màu, chăn nuôi dê; mua bán mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa và nuôi có sự tham gia của nhiều hợp tác xã như HTX nông sản an toàn Núi Mây, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu...

Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thì hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã bắt đầu được nhiều địa phương đưa vào thực hiện. Mục tiêu là nâng cao thu nhập cho người nông dân, đưa sản xuất nông nghiệp theo xu hướng 4.0 đến với các vùng nông thôn. Đây cũng là một trong những tiêu chí để các xã đã cán đích nông thôn mới được công nhận hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, số lượng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh chưa nhiều...

Mục tiêu của Tuyên Quang là đến năm 2025, thu nhập trên ha canh tác bình quân đạt 120 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 44 triệu đồng/người/năm. Hành trình để đạt được con số này, phụ thuộc rất lớn vào người nông dân. Chính họ phải là người thực sự “thay máu” trong tư duy sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ hiện đại vào sản xuất. Để con đường trở thành người nông dân thời đại mới thực sự được xác lập từ chính những cuộc đổi ngôi trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn.       
 

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục