“Bà đỡ” của doanh nghiệp thời Covid

- Cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, của tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang ứng biến linh hoạt trong việc đầu tư tín dụng. Nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm nhiều loại chi phí và lãi suất, cơ cấu lại nợ góp phần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thời Covid-19.

Liên tục giảm lãi suất

Giảm lãi suất cho vay là việc không mong muốn đối với các ngân hàng thương mại vì ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với một số lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp về tín dụng, trong đó có nội dung xây dựng lộ trình giảm lãi suất tiền vay ngay trong những tháng còn lại của năm 2021.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Tuyên Quang chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Về hỗ trợ tín dụng đã thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN; cho vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất trực tiếp đối với dư nợ của khách hàng. Từ ngày 15-7-2021 đến hết năm 2021 các ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tiết kiệm tối đa các chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất từ 0.5% đến 2% lãi suất cho vay đối với những khoản vay hiện hữu và cho vay mới. So với đầu năm 2020, lãi suất cho vay giảm từ 1%-3%.

BIDV Tuyên Quang triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4,6%/năm cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc BIDV Tuyên Quang cho biết, những đối tượng khách hàng cần lãi suất thấp đã được tiếp cận rồi. Trước mắt BIDV sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn, ví dụ như các doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ...  Đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân. Tùy theo từng tệp khách hàng của mình, ngân hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp khó khăn để có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp. Đồng thời BIDV Tuyên Quang đang triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất chỉ từ 4,6%/năm. Với gói tín dụng có lãi suất cực kỳ ưu đãi như này sẽ giúp các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ, từ đó tiết kiệm chi phí, đầu tư kinh doanh hiệu quả. Hiện đã có 60 khách hàng được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi lãi suất với tổng dư nợ là 760 tỷ đồng. Chi nhánh đã áp dụng cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận linh hoạt, do vậy nguồn khách hàng tại Chi nhánh ngày càng tăng. Đến 31-9, dư nợ tín dụng khách hàng doanh nghiệp đạt 1.270 tỷ đồng với 104 khách hàng. Chi nhánh đã thực hiện tài trợ vốn phục vụ các dự án, chương trình mục tiêu trọng điểm của tỉnh như: Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang hạn mức vay 120 tỷ đồng; Công ty cổ phần Giấy An Hòa hạn mức 400 tỷ đồng...

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, của ngành và của tỉnh, VietinBank Tuyên Quang đã thực hiện việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5-3%/năm; thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và được giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để “đồng hành” cùng người vay vượt qua khó khăn. VietcomBank Tuyên Quang cũng thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp, giảm 0,5%/năm đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp. Với việc cùng đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ các ngân hàng, điều này sẽ phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong tình cảnh hiện nay.

Phát huy vai trò “bà đỡ”

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các ngân hàng thương mại đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy vai trò là “bà đỡ” tín dụng góp phần giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh. Việc đồng hành và chia khó này, không chỉ thể hiện sự gắn bó trước - sau giữa ngân hàng và doanh nghiệp mà còn giúp nhiều ngân hàng xây dựng thêm niềm tin, quảng bá được thương hiệu và khẳng định trách nhiệm vì sự phát triển, hợp tác bền vững với khách hàng.

Công ty cổ phần Kinh doanh ô tô Tuyên Quang (Huyndai Tuyên Quang) đẩy mạnh hoạt động kinh doanh
nhờ nguồn vốn của ngân hàng.

Công ty cổ phần Kinh doanh ô tô Tuyên Quang, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) chuyên kinh doanh các dòng xe ô tô của hãng Huyndai. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc bán xe ô tô đến các tỉnh khác ngoài Tuyên Quang cũng bị hạn chế, xe bị tồn nhiều, doanh thu giảm ảnh hưởng đến tình hình quay vòng vốn. Giữa lúc đó, Công ty được các ngân hàng VietcomBank, MB, Agribank và VietinBank Tuyên Quang đồng hành, sát cánh hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,8-5%/năm. Việc điều chỉnh lãi suất này là rất hợp lý và kịp thời. Từ nay đến cuối năm, tranh thủ việc giãn cách xã hội được nới lỏng ở hầu hết các tỉnh thành, công ty tập trung huy động thêm nguồn vốn từ các ngân hàng để kịp thời nhập hàng, đẩy mạnh kinh doanh an toàn trong mùa dịch. Hiện công ty được các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng với hạn mức từ 40-60 tỷ đồng, tạo đà cho công ty đẩy mạnh chiến dịch bán hàng trong những tháng cuối năm, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Ông Vũ Giang Nam, Giám đốc LienVietPostBank Tuyên Quang cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngân hàng phát huy tối đa vai trò là “bà đỡ” tín dụng đối với các doanh nghiệp bằng việc hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất rất cạnh tranh. Hiện Chi nhánh đang tập trung đẩy mạnh gói tín dụng cho vay khách hàng là nhà thầu thi công công trình Nhà nước. Gói tín dụng này có thể bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh hoàn tạm ứng. Phát hành bảo lãnh không có tài sản bảo đảm... Một sản phẩm tín dụng mới nữa là “Cho vay VNĐ lãi suất USD”. Đây là gói tín dụng được ngân hàng và khách hàng là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu đánh giá rất tốt. Khách hàng có thể chọn 1 trong 2 phương án lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi. Lãi suất được xác định vào ngày giải ngân và không thay đổi trong suốt thời gian vay, mức lãi suất ưu đãi hơn lãi suất VNĐ thông thường hoặc khách hàng có thể chọn hình thức lãi suất tùy theo sự biến động tỷ giá ngoại tệ và thời gian vay.

Để duy trì việc làm cho lao động trong lĩnh vực xây dựng, Công ty TNHH Long Thắng (Sơn Dương) chuyên thi công công trình xây dựng dân dụng, công trình xây dựng cơ bản vừa và nhỏ đã phải tìm đến nguồn vốn của ngân hàng.  Anh Lê Văn Quyền, Giám đốc Công ty chia sẻ, năm 2021 anh đã trúng thầu thi công 4 công trình nhà nước. Dịch bệnh diễn ra, mọi hoạt động của công ty bị đình trệ. Trong lúc khó khăn, công ty được Ngân hàng LienVietPostBank đồng hành tư vấn gói cho vay khách hàng nhà thầu thực hiện công trình Nhà nước. Ngân hàng có đội ngũ cán bộ nhân viên tư vấn nhiệt tình và chuyên nghiệp, giải đáp nhanh chóng các vướng mắc của công ty và đồng hành trong quá trình hoạt động, giúp công ty có đà ổn định thực hiện các công trình trúng thầu theo đúng tiến độ.

Với việc áp dụng các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất từ các ngân hàng và triển khai thêm nhiều gói tín dụng mới phù hợp với nhu cầu khách hàng trong điều kiện dịch bệnh là đòn bẩy cho việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trên địa bàn tỉnh. Các ngân hàng còn cắt giảm các loại chi phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng. Trong 2 năm 2020 và 2021, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm khoảng 30 loại phí dịch vụ ngân hàng, tập trung vào miễn giảm phí chuyển tiền Online qua các ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh và Internet Banking. Đồng thời từ tháng 8-2021 đến nay, các ngân hàng tiếp tục giảm chi phí giao dịch trên ATM, POS và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng cho toàn bộ khách hàng có phát sinh giao dịch.

Những tháng cuối năm, ngành Ngân hàng Tuyên Quang tiếp tục xác định việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung thực hiện các chính sách phát huy tốt vai trò “bà đỡ” tín dụng cho khách hàng  góp phần phục hồi và phát triển kinh tế -  xã hội; thực hiện hiệu quả hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid19 và đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động của toàn ngành.

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục