Giá đầu vào tăng cao, doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp khó

- Giá nguyên, nhiên, vật liệu liên tục tăng và giữ ở mức cao đang gây áp lực chi tiêu đối với người tiêu dùng, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Chưa năm nào Hợp tác xã Liên hiệp chuyên sản xuất kinh doanh hàng lương thực, thức ăn chăn nuôi, tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) nhập nguyên liệu giá cao như năm nay. Bà Bùi Thị Thu Lan, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, năm 2019 - 2020 giá ngô hạt nhập khẩu chỉ từ 5,5 - 6 nghìn đồng/kg, tuy nhiên đến đầu năm 2021, giá đã tăng lên 2 - 2,5 nghìn đồng/kg, hiện đang ở mức 8 - 8,5 nghìn đồng/kg. Đầu vào tăng, giá thành sản xuất 1 bao thức ăn phối trộn có trọng lượng 50 kg cho trâu, bò, lợn, gia cầm đã tăng lên từ 100 - 120 nghìn đồng so với đầu năm 2020. Giá nguyên liệu đầu vào tăng, buộc phải tăng giá bán sản phẩm, tuy nhiên khi hợp tác xã điều chỉnh tăng giá lượng sản phẩm tiêu thụ lại bị tụt giảm. Theo bà Lan khi chưa tăng giá, trung bình mỗi ngày hợp tác xã xuất kho khoảng 3 - 4 tấn sản phẩm cho các trang trại, gia trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh thì đến nay đã giảm 30%.

Nhân viên đại lý Công ty Masan meat Life (nhãn hiệu Con cò) xã Trung Môn (Yên Sơn) tư vấn giá mua sản phẩm
cho người chăn nuôi.

Không chỉ giá nguyên liệu tăng, giá nhiên liệu cũng tăng ở mức kỷ lục. Theo đó, từ 16h ngày 26-10, giá xăng E5 RON92 lên mức 23.110 đồng/lít, tăng 1.430 đồng/lít; xăng RON95 lên mức 24.330 đồng/lít, tăng 1.460 đồng/lít. Dầu diesel cũng lên mức giá 18.710 đồng/lít, tăng 1.170 đồng/lít, dầu hỏa là 17.630 đồng/lít, tăng 1.010 đồng/lít và dầu mazut 17.210 đồng/kg, tăng 120 đồng/kg. Tính từ đầu năm tới nay, thị trường xăng, dầu đã trải qua 19 kỳ điều chỉnh giá, trong đó chủ yếu là theo chiều tăng và lần điều chỉnh ngày 26-10 có mức tăng cao nhất. Với mức giá hiện nay, giá xăng, dầu đang đạt đỉnh cao nhất trong hơn 7 năm trở lại đây, tính từ tháng 9-2014. Ngành vận tải là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn khi giá xăng dầu tăng cao bởi chi phí nhiên liệu chiếm đến 30 -  40% tổng chi phí đầu vào. Bên cạnh tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 thì giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các doanh nghiệp vận tải lâm vào tình trạng khó khăn kép.

Anh Đỗ Thế Yên, quản lý Công ty TNHH Trường Thịnh (TP Tuyên Quang) chia sẻ, công ty có 8 đầu xe vận tải. Sau thời gian nghỉ do dịch, vừa hoạt động trở lại vào ngày 23-10 thì ngày 26-10, xăng, dầu tăng giá. Thời điểm tháng 3, tiền dầu mỗi chuyến xe đi ngoại tỉnh chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng nhưng hiện nay lên 3,7 - 4,5 triệu đồng tùy vào lộ trình. Theo anh Yên, tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động vận tải ngưng hoạt động trong thời gian dài, trong khi chi phí nhiên liệu tăng cao, cộng thêm phí cầu đường, bến bãi, nhân viên... doanh nghiệp đang phải bù lỗ.

Không những tác động đến doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng khi giá xăng lên cao. Anh Hồ Khánh Hoàn, sinh sống tại thành phố Tuyên Quang song làm việc tại huyện Sơn Dương, mỗi ngày phải đi về quãng đường hơn 60 km. Số tiền anh Hoàn mua nhiên liệu để “nuôi” xe ô tô là không hề nhỏ. Anh Hoàn bày tỏ, hiện tại riêng tiền xăng xe để đi làm đã tốn khoảng 100 nghìn đồng, tăng hơn 15% so với thời điểm đầu tháng 8 - 9. Theo anh Hoàn, bên cạnh việc tác động trực tiếp tới chi phí nhiên liệu để đi lại, giá xăng, dầu tăng cao kéo theo giá các mặt hàng khác tăng, người tiêu dùng như anh sẽ thêm khó.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá chung từ đầu năm đến nay có xu hướng tăng, riêng trong tháng 10 vừa qua đã tăng 0,1%, trong đó, chỉ số giá nguyên sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,28%; nhiên liệu tăng 0,42%; dùng cho sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 0,31%... gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, nguyên, nhiên liệu tăng mạnh là do chịu ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên liệu thế giới. Hiện nay, nhiều quốc gia đã thích ứng với tình hình dịch Covid-19, kinh tế dần mở cửa trở lại và hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục. Theo đó, nhu cầu sản xuất tăng lên trong khi nguồn cung không tăng tương ứng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá nguyên, nhiên liệu trên đà tăng.

Trước tình hình giá nguyên, nhiên liệu tăng mạnh tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, ngày 29-10, UBND tỉnh đã có kế hoạch số 193/KH-UBND về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong đó, nhiệm vụ đặt ra là thực hiện kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, đặc biệt là giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, nhất là giá nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng; khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, kích cầu tiêu dùng nội tỉnh và nội địa. Trên cơ sở đó, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Hy vọng những giải pháp tỉnh đưa ra sẽ giải quyết những khó khăn, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục