Hàm Yên chuẩn bị phương án thu hoạch và tiêu thụ cam

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, UBND huyện Hàm Yên đã xây dựng phương án tiêu thụ cam cho người dân, bảo đảm không để cam tồn đọng.

Gia đình chị Lý Thị Quế, thôn Làng Báu, xã Minh Khương đang thu hoạch vườn cam Vinh 400 gốc với giá bán tại vườn 5.500 đồng/kg. Chị Quế cho biết, năm nay thời tiết cực đoan mưa to, nắng gắt nên sản lượng cam của gia đình giảm 1/3 so với năm 2020, giá bán cũng thấp hơn từ 2 - 3 nghìn đồng/kg. Năm nay, gia đình chị không có lãi từ bán cam quả mà chỉ đủ tiền chi phí, chăm bón. Hy vọng năm sau, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, giá cam cao hơn để bù đắp chi phí đầu tư cho vườn cam.

Vườn cam sành của anh Nguyễn Bảo Anh, thành viên HTX nông sản sạch Minh Khương chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Xã Minh Khương có 458 ha cam, trong đó trên 200 ha cam sành, trên 100 ha cam V2, cam Vinh đang cho thu hoạch. Niên vụ 2021 - 2022, sản lượng khoảng 5.500 tấn. Đồng chí Nguyễn Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khương cho biết: Cây cam là nguồn thu nhập chính của người dân trong xã, vì thế việc tiêu thụ cam được UBND xã đặc biệt quan tâm. Xã đã xây dựng kế hoạch chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ cam, không để cam tồn đọng. Trước đó, UBND xã tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật, chuyển đổi 8 ha cam sành sang chăm sóc theo hướng hữu cơ, 20 ha chăm sóc theo hướng VietGAP để đảm bảo thương hiệu và chất lượng cam đã được xây dựng những năm qua. Đồng thời, thành lập Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương, tổ hợp tác cam sành để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Nguyễn Bảo Anh, thành viên Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương phấn khởi nói, vào hợp tác xã anh được chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cam tốt hơn. Tới đây, việc tiêu thụ cam sẽ thuận lợi hơn khi hợp tác xã đã có tem truy xuất nguồn gốc. Hơn 1,5 ha cam sành của gia đình đang vào độ đẩy ngọt, khoảng hơn 1 tháng nữa bắt đầu cho thu hoạch. Hy vọng sẽ tiêu thụ được với giá cao hơn.

Bảo đảm tiêu thụ 80.000 tấn cam, ổn định về giá và giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, UBND huyện đã và đang tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành xây dựng phương án tiêu thụ cam cụ thể cho từng thời điểm dịch bệnh Covid-19. Theo đó có 2 phương án được xây dựng gồm: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội và phương án cả nước thực hiện giãn cách toàn xã hội. Cả hai phương án huyện đều phấn đấu tiêu thụ nội tỉnh đạt từ 20 đến 25% sản lượng; tiêu thụ ngoại tỉnh vẫn là chủ yếu chiếm từ 75 đến 80% sản lượng. Trong đó, tiêu thụ ngoại tỉnh dựa vào các thương lái mua tại vườn, tại huyện cung cấp cho các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc...

Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, UBND huyện Hàm Yên phối hợp với Sở Công Thương đưa vào hệ thống các các siêu thị, các sàn thương mại điện tử như Vỏ Sò,  Postmart, dự kiến khoảng 10.000 tấn và tiêu thụ trên các kênh khác.

Người dân xã Minh Khương thu hoạch cam Vinh đầu vụ năm 2021.

Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: Thực hiện phương án trên, huyện đã phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cam trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19. UBND huyện sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ đạo của tỉnh để cập nhật, điều chỉnh kế hoạch xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam của huyện diễn ra hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, chủ động kết nối với Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến đầu tư các tỉnh, thành phố hỗ trợ tiêu thụ cam; tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân đến Hàm Yên khảo sát kết nối tiêu thụ cam cho người dân; đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh khi tổ chức thu hái, thu gom sản phẩm cam.

Huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn huyện, người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên lựa chọn sử dụng, chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam; tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm cam với các Tập đoàn phân phối, sở hữu các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+, Fivimart và Citimart; kết nối tiêu thụ trên các Sàn Thương mại điện tử như: Sen đỏ, Vỏ sò, PostMart...

Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, các hợp tác xã, tổ hợp tác, rà soát  về  số lượng, phân loại và chia sản lượng cần tiêu thụ để có giải pháp cân đối nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh, số lượng tiêu thụ ngoại tỉnh theo từng đợt thu hoạch để phối hợp, kết nối với các cơ quan, đơn vị tổ chức hỗ trợ tiêu thụ. Các ngành chức năng hướng dẫn người dân thu hoạch cam đúng kỹ thuật để tránh dập, hư hỏng, bảo quản tốt chất lượng, bảo vệ thương hiệu cam sành Hàm Yên.

Với giải pháp cụ thể, phương án tiêu thụ chi tiết, huyện Hàm Yên phấn đấu cơ bản tiêu thụ hết sản lượng cam niên vụ 2021 - 2022.  Cam Hàm Yên đã được người tiêu dùng bình chọn là một trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, lọt tốp 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng;  được Cục sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”, đây là lợi thế để cam Hàm Yên gia tăng sức cạnh tranh trên đường “đua” sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục