Lợi ích kép từ việc huy động vốn

- Cùng với nhiệm vụ cho vay vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn làm tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân và thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó, tạo thêm nguồn vốn bổ sung, hỗ trợ đắc lực cho các đối tượng thụ hưởng chính sách có thêm cơ hội đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất.


Một phiên giao dịch của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Yên tại xã Yên Phú.

Trước đây, nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác chủ yếu được bố trí từ ngân sách Trung ương hoặc từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay còn hạn chế, trong khi các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vốn lớn để đầu tư làm ăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Để có nguồn vốn lớn như thế không chỉ dựa vào nguồn vốn từ Ngân sách mà phải huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng dân cư nhằm tạo thêm nguồn lực, bổ sung nguồn vốn cho vay. Qua đó, ngân hàng vừa thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, còn người dân có vốn tích lũy cho mai sau.

Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, để thúc đẩy chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm đạt kết quả cao, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách các huyện ban hành văn bản đề nghị các tổ chức nhận ủy thác ở các địa phương nâng cao vai trò phối hợp, đẩy mạnh vận động huy động tiền gửi trong khu dân cư. Bên cạnh đó, trong các buổi giao dịch hàng tháng, cán bộ ngân hàng không chỉ làm nhiệm vụ giải ngân, thu lãi và gốc theo định kỳ mà còn tích cực cùng với hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tăng cường tuyên truyền để hộ vay nắm bắt về ý nghĩa cũng như lợi ích của việc gửi tiết kiệm. Nhờ đó, mục tiêu tăng trưởng huy động vốn tại chỗ hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh luôn được đảm bảo và duy trì ổn định. Đến 31-3, tổng nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm trên địa bàn đạt hơn 210 tỷ đồng, trong đó huyện Sơn Dương hơn 45 tỷ đồng, Yên Sơn 41,9 tỷ đồng, Chiêm Hóa 37,6 tỷ đồng, Hàm Yên gần 30 tỷ đồng...

Ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Yên Phú (Hàm Yên) cho biết, thực hiện công tác huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân, UBND xã chỉ phối hợp với tổ chức hội cấp xã, trưởng thôn, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tuyên truyền, phổ biến nội dung huy động tiết kiệm tại các buổi họp thôn. Nhờ đó, hiện nay, 100% cán bộ công nhân viên chức của xã và người dân trên địa bàn đều biết và thực hiện gửi tiết kiệm. Ngoài ra, để làm tốt công tác huy động vốn, trong các buổi giao dịch tại xã, cán bộ ngân hàng tuyên truyền đến người dân về nội dung, hình thức huy động... Qua đó, người dân hiểu khi gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội lãi suất tiền gửi tương đương với các ngân hàng thương mại, đặc biệt người dân có thể thực hiện giao dịch tại xã vào ngày giao dịch cố định của ngân hàng.

Việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân tuy chưa nhiều nhưng đã giúp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động hơn về nguồn vốn để cho vay các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, đồng thời đáp ứng được nhu cầu và tạo thói quen tiết kiệm tích lũy cho người dân ở các vùng nông thôn, mang lại lợi ích kép “vừa ích nước, vừa lợi nhà”.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục