Người tiêu dùng phấn khởi khi giá xăng, dầu giảm

- Giá xăng dầu giảm mạnh khoảng 3.000 đồng/lít từ 0h ngày 11-7 giúp các doanh nghiệp vận tải giảm bớt chi phí hoạt động. Tuy nhiên, các đơn vị vận tải, doanh nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu xăng dầu vẫn chưa hết lo.

Giá xăng, dầu giảm sâu nhất 2 năm qua

Từ 0h ngày 11-7-2022, giá xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít, xuống mức 29.675 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, xuống mức 27.788 đồng/lít. Giá dầu diesel 0,05s-II giảm 3.022 đồng/lít, xuống mức 26.593 đồng/lít; dầu hỏa giảm 2.008 đồng/lít, xuống mức 26.345 đồng/lít; dầu mazut giảm 2.010 đồng/lít, xuống còn 17.712 đồng/lít. Mức giảm này được đánh giá nhiều nhất trong 2 năm qua, được người dân, doanh nghiệp kỳ vọng góp phần kiềm chế lạm phát, gia tăng sản xuất để đẩy mạnh phục hồi kinh tế.

Theo thống kê của Sở Giao thông -  Vận tải, toàn tỉnh hiện có 242 đơn vị kinh doanh vận tải; trên 800 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khai khoáng có số lượng sử dụng xăng dầu lớn. Vì thế giá cả nhiên liệu xăng dầu ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.

Cửa hàng Petrolimex 01 của Công ty cổ phần xăng dầu Tuyên Quang bán lẻ xăng, dầu cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh vui mừng khi chia sẻ về việc giá xăng, dầu chính thức giảm đến 3.000 đồng/lít. Ông cho biết, đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi giá xăng, dầu bắt đầu tăng liên tiếp trong 2 năm qua, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong bối cảnh vẫn đang nỗ lực phục hồi kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy cách điều hành, quản lý giá xăng, dầu của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đã có những chuyển biến tích cực và đã có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ dành cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải.

Bà Trần Thu Lành, Giám đốc hãng Taxi Mai Linh Tuyên Quang cho biết, đơn vị có 400 xe chạy dịch vụ taxi trên địa bàn tỉnh, giá xăng giảm sẽ giúp kiềm chế gia tăng lạm phát, doanh nghiệp cũng có điều kiện ổn định hoạt động và tới đây sẽ có những điều chỉnh giá cước hợp lý với tình hình thực tế của các chi phí cấu thành giá. Tuy nhiên, giá xăng dầu bấp bênh khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất khó xoay xở để điều chỉnh giá cước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Yến cho hay, hiện công ty đang vận hành 20 đầu xe kinh doanh vận tải hành khách. Đây là tín hiệu vui không chỉ đối với các doanh nghiệp vận tải mà ngay cả những cá nhân chạy xe dịch vụ và cả những người lao động khác. Điều này khẳng định, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cùng các doanh nghiệp. Theo ông Khoa, mấy tháng nay, dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp bước đầu hồi phục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, giá xăng dầu liên tiếp tăng cao khiến đơn vị bị ảnh hưởng, phải bù lỗ trong kinh doanh. Với mức giảm này giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. 

Đến nay, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ và giá xăng, dầu thế giới giảm đã giúp giảm giá xăng, dầu trong nước giảm trung bình 3.000 đồng/lít, đưa giá xăng, dầu trở lại thời điểm đầu tháng 3-2022 ở mức khoảng hơn 26.000 đồng/lít. Điều này có ý nghĩa rất lớn giúp các doanh nghiệp bớt đi một phần khó khăn, yên tâm phục hồi và đẩy mạnh kinh doanh trong thời gian tới.

Chưa hết lo

Dù phấn khởi nhưng chủ các doanh nghiệp vận tải cũng bày tỏ lo lắng khi chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu xuống 1.000 đồng/lít chỉ kéo dài đến hết ngày 31-12-2022. Trong khi nhiên liệu trong nước chủ yếu là nhập khẩu và phải chịu ảnh hưởng lớn từ giá xăng, dầu thế giới.

Bán lẻ xăng, dầu tại thành phố Tuyên Quang.    

“Nếu không sớm bình ổn được giá xăng dầu, sau thời điểm 31-12-2022 khi chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp kết thúc, quay về mức ban đầu, doanh nghiệp lại tiếp tục rơi vào cảnh khó khăn như một vòng luẩn quẩn” - ông Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Yến nói. Ông Khoa kiến nghị, bên cạnh việc tiếp tục có những chính sách giúp bình ổn giá xăng, dầu, các cơ quan quản lý cũng xem xét việc cho phép doanh nghiệp xây dựng phương án giá cước không chỉ dựa trên mức tăng của nhiên liệu mà còn dựa trên mức tăng giá của các nguyên vật liệu, phụ tùng do tác động của tăng giá xăng, dầu. Bởi đây cũng là một phần chi phí không nhỏ trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, để doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vận tải có thể phục hồi tốt sau dịch Covid-19 thì vẫn cần Chính phủ tiếp tục xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng, dầu trong thời gian tới. Theo ông Thập, mức giảm 3.000 đồng/lít xăng, dầu như hiện nay mới chỉ giảm khoảng 10%, chưa đáp ứng yêu  cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú cho biết, là doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng, dầu nên mức giảm 3.000 đồng/lít xăng, dầu là tín hiệu tích cực đối với đơn vị nhưng chưa tác động mạnh mẽ bởi giá xăng dầu hiện nay đã tăng khá cao so với năm 2020. Giá xăng, dầu tăng liên tục thời gian qua đã khiến chi phí nhiên liệu dành cho hoạt động kinh doanh vận tải của công ty tăng gấp đôi so với trước kia; các công trình trúng thầu hầu hết từ năm 2021, thời điểm giá xăng, dầu chỉ chưa đến 20 nghìn đồng/lít. Đến nay mới chỉ giảm khoảng 3.000 đồng/lít, dù là mức giảm mạnh nhất từ trước đến giờ nhưng so với chi phí hiện tại thì doanh nghiệp vẫn khá vất vả. Theo ông Hải, chi phí nhiên liệu hiện đang chiếm đến 55% tổng chi phí hoạt động vận tải. Giá nhiên liệu tăng còn kéo theo giá các chi phí vật tư khác tăng theo như dầu máy, lốp… khiến doanh nghiệp vẫn phải gồng mình duy trì.

Mặc dù giá xăng, dầu đã giảm nhưng các doanh nghiệp, đơn vị vận tải mong muốn tỉnh, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, lâu dài hơn bình ổn thị trường, giá cả xăng dầu, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững, thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.

Bải, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục