Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng ngành Công thương ngày càng phát triển

- Trong suốt chiều dài lịch sử 70 năm, ngành Công Thương Tuyên Quang đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh, đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Phóng viên Báo Tuyên Quang có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Anh Cương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, những nét khái quát về quá trình hình thành và phát triển của ngành Công thương?

Đồng chí Giám đốc Sở Công thương
Hoàng Anh Cương.

Đồng chí Hoàng Anh Cương: Cách đây 70 năm , ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, từ đây, ngành Công Thương Việt Nam bắt đầu mở ra trang sử vẻ vang đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.  Khi đó Bộ Công Thương đóng tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Tại nơi đây, vào tháng 3-1952, cán bộ, nhân viên Bộ Công Thương đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, ân cần chỉ bảo, động viên.

Tại nơi đây, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, Bộ Công Thương đã tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các chính sách, chủ trương lớn về công thương nghiệp trong giai đoạn mới của công cuộc kháng chiến, thúc đẩy phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; thực hiện chính sách “tự do nội thương, quản lý ngoại thương”; ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật đấu tranh kinh tế với địch và mậu dịch với vùng bị tạm chiếm; thành lập sở mậu dịch quốc doanh Trung ương, xây dựng hệ thống mậu dịch quốc doanh ở các vùng tự do cả nước; đấu tranh bình ổn vật giá, trực tiếp phục vụ các chiến dịch lớn, đặc biệt đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến hành ngoại thương, giao lưu kinh tế.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương Việt Nam vừa dũng cảm chiến đấu, vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính: Xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả vì thống nhất Tổ quốc”, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn non trẻ đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ yêu cầu của chiến trường. Ngành thương mại đảm đương tốt vai trò “nội trợ của xã hội”, xây dựng mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến, đưa hàng đến phục vụ từng cơ quan, xí nghiệp, từng trận địa phòng không để đáp ứng yêu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Nhiều đồng chí cán bộ, công nhân viên của ngành đã lao động, chiến đấu và anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong khi làm nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên những chiến thắng vĩ đại, thống nhất đất nước. Họ sẽ mãi là những tấm gương sáng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công thương noi theo.

Lãnh đạo Sở Công thương và các đại biểu tham quan các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Na Hang tại chợ đêm Na Hang (tháng 10-2020).  Ảnh: Quốc Việt

Phóng viên: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”. Xin đồng chí cho biết, ngành Công thương tỉnh đã triển khai các giải pháp như thế nào để thực hiện tốt lời Bác dạy?

Đồng chí Hoàng Anh Cương:  Tháng 4-2008, ngành Công Thương Tuyên Quang được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Sở Công nghiệp với Sở Thương mại và Du lịch (trừ lĩnh vực Du lịch) theo Quyết định số 154/QĐ-UBND, ngày 23-4-2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

Qua 13 năm xây dựng và phát phiển, từ khi thành lập đến nay, ngành Công thương Tuyên Quang đã vượt qua không ít khó khăn thách thức, nhưng vẫn luôn duy trì, phát triển ổn định và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt cho các hoạt động công nghiệp, thương mại phát triển, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”. Những nỗ lực, đổi mới của ngành góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thu hút 37 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế, điển hình là Tập đoàn Geleximco đầu tư xây dựng Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Tập đoàn VinGroup đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại VinCom; Công ty cổ phần Woodsland Việt Nam đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu các các nước châu Âu, Mỹ… Hiện toàn tỉnh đã phát triển được trên 1.900 doanh nghiệp; xây dựng được 2 Khu công nghiệp Long Bình An, Sơn Nam (Sơn Dương); 5 Cụm công nghiệp gồm, Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương), Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn), Cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên), Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa), Cụm công nghiệp Khuôn Phươn (Na Hang). Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Cụm công nghiệp Tam Đa, Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế (Sơn Dương).

Lao động làm việc tại Nhà máy May Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công

Sự hình thành các khu, cụm công nghiệp đã tạo môi trường kinh doanh ổn định, bình đẳng cho các doanh nghiệp, bảo đảm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2005 - 2010 tăng bình quân 15,3%; giai đoạn 2010 - 2015 là 17,9%, giai đoạn 2015 - 2020 là 16,3%.

Dịch vụ, thương mại từng bước hình thành các kênh lưu thông các mặt hàng thiết yếu với sự tham gia của các thành phần kinh tế đã thúc đẩy sản xuất phát triển, gắn sản xuất với tiêu thụ, gắn thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Giai đoạn 2006 - 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 22,8%; giai đoạn 2010 - 2015 tăng bình quân 21,2%; giai đoạn 2015 - 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tăng bình quân 12,3%. Kết cấu hạ tầng thương mại được tập trung đầu tư, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng, góp phần tăng trưởng ổn định kim ngạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 119 triệu USD, tăng trên 26 lần so với năm 2008 (4,5 triệu USD). Ngành tập trung phát triển, đa dạng hóa các ngành nghề, hệ thống thương mại rộng khắp, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 99 chợ  nông thôn; 99,2% tỷ lệ hộ dân sử dụng điện.

Với những thành tích đã đạt được, năm 2011 ngành Công thương Tuyên Quang đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2016 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhiều tập thể và cá nhân được Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh tặng Cờ Thi đua và Bằng khen. 

Phóng viên:  Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025. Xin đồng chí cho biết những nét mới và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương tỉnh trong giai đoạn tới?

Đồng chí Hoàng Anh Cương: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây là nghị quyết quan trọng, với những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và những khó khăn trong phát triển công nghiệp thời gian qua, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nghề có tiềm năng, lợi thế, có giá trị kinh tế và có hàm lượng công nghệ cao. Mục tiêu xuyên suốt là tỉnh không đánh đổi môi trường lấy dự án mà tập trung phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp thân thiện với môi trường. Do đó, tỉnh chú trọng đầu tư hiện đại hóa công nghệ sản xuất công nghiệp ở tất cả các ngành nghề, nhất là lĩnh vực tỉnh có lợi thế như chế biến nông lâm sản, cơ khí, chế tạo, luyện kim, công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh thu hút các nguồn vốn, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để phát triển nguồn điện như thủy điện, năng lượng điện sinh khối, năng lượng gió.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp tăng cả về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp có tính cạnh tranh cao như chế biến nông lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện; dệt may, da giày... Trong 5 năm tới, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân đạt 14%, cơ cấu lao động ngành công nghiệp chiếm 25,8%, tương đương 127.900 lao động; cơ cấu ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt trên 24,7%.

Để đạt mục tiêu trên, ngành Công Thương tổ chức đánh giá lại việc phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện có; xem xét, điều chỉnh mở rộng không gian ở những nơi phù hợp để ưu tiên phát triển mô hình khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị, khu công nghiệp sinh thái, mở rộng Khu công nghiệp Long Bình An. Ngành tiến hành quy hoạch rõ ngành nghề trong các khu, cụm công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; mở mới các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ gắn với hình thành đô thị động lực tạo đột phá để phát triển.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí. Chúc ngành Công thương đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần xây dựng quê hương cách mạng ngày càng phát triển.              

Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục