Siết chặt quản lý thị trường dịp cuối năm

- Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021. Đây cũng là thời điểm các hoạt động mua bán, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa “nóng” nhất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Để bảo đảm sự lành mạnh cho thị trường, lực lượng Quản lý thị trường sẽ siết chặt công tác quản lý, triển khai nhiều giải pháp mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động sản xuất trong nước.

Ngăn chặn từ gốc

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, bởi thế đây cũng là lúc nhiều đối tượng lợi dụng đưa hàng lậu, hàng giả vào thị trường tiêu thụ. Ông Hoàng Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang thông tin, các loại hàng lậu, hàng giả dịp này thường là: Thuốc lá, quần áo, rượu ngoại, pháo nổ, bánh kẹo, mỹ phẩm... Hàng hóa thường sẽ được đưa qua biên giới, mặc dù không phải là tỉnh có đường biên giới, nhưng Tuyên Quang là địa điểm mà các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xé lẻ, trà trộn với hàng thật để đưa đi tiêu thụ. Đặc biệt năm nay, kinh doanh trực tuyến nở rộ, nguy cơ phát sinh nhiều hành vi vi phạm mới, khiến công tác quản lý thị trường càng thêm phức tạp.

Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Tuyên Quang) tiêu hủy các sản phẩm giả nhãn hiệu.    

Ngay từ quý III - 2021, lực lượng Quản lý thị trường đã tập trung kiểm tra và xử lý nhiều vụ vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đơn cử, chỉ riêng trong ngày 20-9, Đoàn kiểm tra do Đội Quản lý thị trường số 5 chủ trì đã kiểm tra xử lý 2 vụ việc, thu giữ hơn 1 tấn táo tươi xuất xứ từ Trung Quốc được nhập lậu vào Việt Nam. Cụ thể, vào hồi 15h00, qua quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường Đội Quản lý thị trường số 5 phát hiện một xe tải ISUZU biển kiểm soát 22H-000.84 lưu thông trên địa bàn thuộc thành phố Tuyên Quang. Qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 80 hộp giấy, mỗi hộp chứa 6,3kg táo tươi có ghi chữ Trung Quốc tổng trọng lượng khoảng 504kg. Tiếp đó, khoảng 18h00 cùng ngày, Đoàn tiếp tục dừng và kiểm tra một xe tải biển kiểm soát 22C-075.44 chở 27 thùng carton đựng táo xanh, mỗi thùng nặng 20kg có ghi chữ Trung Quốc, tổng trọng lượng khoảng 54kg. Tại thời điểm kiểm tra hai vụ việc, chủ xe đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm của 2 vụ việc để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 30-9, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát số 23H-004.25 di chuyển từ Hà Giang về Tuyên Quang chở hàng trăm sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tài xế và cũng là chủ hàng hóa là ông Nguyễn Thế Đ. có địa chỉ tại xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe chở hàng hóa là đồ điện gia dụng, giày dép, đồ nhựa và các loại bánh kẹo với hơn 500 sản phẩm (21 nồi cơm điện do Trung Quốc sản xuất, 360 đôi dép nhựa, 72kg thạch que, 6 hộp kẹo YEY chocotoy, 100 cái kẹo còi, đồng hồ, 10 gói kẹo weisier). Toàn bộ số hàng hóa trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ phương tiện không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Đây chỉ là 3 trong số 95 vụ việc được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện riêng trong quý III và 226 vụ việc được phát hiện, xử lý trong năm 2021.

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hoàng Văn Hùng cho biết, thời điểm bùng nổ bán hàng qua mạng, nhiều đối tượng sử dụng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook để tiếp cận khách hàng. Việc giao nhận hàng hóa thông qua bên thứ ba là dịch vụ chuyển phát nhanh. Đối tượng cũng liên tục thay đổi nội dung, địa chỉ trên Website hoặc tài khoản mạng xã hội, nên rất khó xác định chủ thể vi phạm để xử lý. Chỉ riêng trong quý III-2021, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 2 vụ việc kinh doanh thương mại thông qua mạng xã hội Facebook kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 16 triệu đồng; giá trị hàng hóa tịch thu trên 29 triệu đồng. Các đối tượng chủ yếu kinh doanh mỹ phẩm, quần áo, giày dép giả các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng hoặc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.  

Chủ động ổn định thị trường cuối năm

Theo Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang, công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại... được triển khai liên tục tại các chợ, tụ điểm kinh doanh. Một số tụ điểm, đường dây kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã bị triệt phá.

Lực lượng chức năng thu giữ các sản phẩm trái cây nhập lậu.    

Trong đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ chủ động phối hợp kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng; kiểm tra trên các tuyến giao thông, đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp giao nhận, chuyển phát nhanh. Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, ngày 25-9-2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử, trong đó quy định về những thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng trách nhiệm của đơn vị vận hành trong việc gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm, bổ sung quy định riêng với mạng xã hội có hoạt động giao dịch thương mại điện tử. Đây là cơ sở để việc quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa kinh doanh Online được chặt chẽ hơn.

Theo dự báo của Cục Quản lý thị trường, từ nay đến hết năm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán ngày càng trở nên sôi động hơn. Ngoài việc tiếp tục siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát; bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến thị trường, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bình ổn thị trường. 

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục