Tiếp sức phát triển sản xuất

- Cùng với việc tiếp tục kéo dài thêm thời hạn trả nợ vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

Kịp thời đáp ứng nhu cầu tín dụng

Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã đồng loạt thực hiện miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau cho gần 1.300 khách hàng với dư nợ trên 987 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động đã nhanh chóng tiếp cận được vốn vay theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Cùng với đó, các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chính sách cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp; cơ chế về lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên tiếp tục được triển khai có hiệu quả đã góp phần đưa hoạt động của ngành Ngân hàng tỉnh quý I-2022 có nhiều khởi sắc. Tổng nguồn vốn huy động đến đạt trên 24.800 tỷ đồng, tăng 13,74% so với cùng kỳ năm trước, so với cuối năm 2021 tăng 952 tỷ đồng. Về đầu tư tín dụng đạt hơn 22.800 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, so với cuối năm 2021 tăng 570 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc BIDV Tuyên Quang cho biết, ngay khi tỉnh áp dụng các biện pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chi nhánh đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống cử cán bộ bám sát địa bàn, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng. Từ đó, chủ động cân đối nguồn vốn gắn với vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách trong giải ngân gói tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 6%/năm để kịp thời đáp ứng các nhu cầu cần thiết, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. 

Ngân hàng Vietcombank Tuyên Quang tích cực đầu tư vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Cùng với việc thực hiện các biện pháp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay..., từng ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai các gói sản phẩm tín dụng mới để hỗ trợ khách hàng. Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay hỗ trợ tiêu dùng đối với cá nhân ở khu đô thị... Vietinbank triển khai gói tín dụng đồng hành với khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay trung, dài hạn với lãi suất cố định, cho vay khách hàng FDI. Vietcombank triển khai cho vay ngắn hạn kinh doanh tài lộc và các sản phẩm ưu đãi cho vay tiêu dùng...

Hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và toàn hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. để thực thi điều này, cùng với việc ưu tiên nguồn vốn, ngân hàng cũng sẵn sàng triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất.
Ngày 30-1-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Thời gian hỗ trợ tập trung trong 2 năm 2022 -2023.

Tại Nghị quyết nêu rõ hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022 - 2023. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực hàng không, vận tải, kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú ăn uống, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… với nguồn vốn tối đa 40.000 tỷ đồng và nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng khác.

 Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nhật Tân đẩy mạnh kinh doanh từ nguồn vốn tín dụng
của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong bối cảnh cả nước cũng như tỉnh Tuyên Quang đã chuyển từ trạng thái “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khả năng cao tăng trưởng tín dụng những tháng tiếp theo trong năm 2022 sẽ tiếp tục khởi sắc. Để kích cầu vốn vay, ngoài việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt đưa ra nhiều chương trình tín dụng với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, thời hạn vay hợp lý, đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu chính đáng về vốn và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân. Đối với các chương trình theo Nghị quyết số 11, ngay khi có các thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành thì Ngân hàng Nhà nước tỉnh triển khai ngay.

Căn cứ vào tình hình thực tế và sức hấp thu vốn của nền kinh tế, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, cân đối nguồn vốn triển khai các gói tín dụng ưu đãi và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giá trị, chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa, từ đó tăng nhanh vòng quay vốn tín dụng.

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục