Xuất khẩu gạo của Việt Nam kỳ vọng sớm khởi sắc trong năm 2021

Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2021 sẽ tiếp tục khởi sắc, tín hiệu cụ thể là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam.


Thu hoạch lúa mùa tại xã Song An, huyện Vũ Thư, Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Hai tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo sụt giảm đáng kể, nhưng nhu cầu gạo thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong khi năng lực sản xuất trong nước vẫn được duy trì.

Chất lượng gạo không ngừng được nâng cao là cơ sở để các doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu gạo sẽ sớm khởi sắc và đạt được cột mốc mới so với con số gần 3,1 tỷ USD của năm 2020.

Xuất khẩu chậm dù nhu cầu cao

Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tích cực đàm phán và đẩy mạnh việc xuất khẩu.

Điển hình như Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã “mở hàng” năm 2021 với 1.600 tấn gạo đi Singapore và Malaysia.

Tiếp đó, Trung An cũng đàm phán thành công lô hàng hơn 2.000 tấn xuất khẩu sang thị trường Đức, tận dụng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cũng xuất một số đơn hàng đi Hongkong (Trung Quốc), Philippines, Cote d'Ivoire.

Mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tăng tốc sớm song kết quả xuất khẩu gạo đầu năm lại có xu hướng giảm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1/2021 ước đạt 347.774 tấn, tương đương 191,88 triệu USD, giảm 36,4% về khối lượng và giảm 34,2% về kim ngạch so với tháng 12/2020; giảm 15,4% về lượng và giảm 2,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020.

Trong tháng 2 trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán và đơn hàng đi chậm, các doanh nghiệp dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo tiếp tục giảm.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết qua đàm phán, các đối tác nhập khẩu gạo đều có nhu cầu lớn. Tuy nhiên trong 2 tháng đầu năm, lượng xuất đi khá ít so với những năm trước; trong đó, khách hàng Malaysia duy trì mua đều theo tiến độ trong khi hai thị trường lớn là Philippines và Trung Quốc có xu hướng mua chậm hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, đầu năm chưa phải là cao điểm xuất nhập khẩu vì trước đó các khách hàng đã chủ động mua dự trữ cho kỳ nghỉ lễ dài. Hơn nữa, vụ Đông Xuân hiện chưa thu hoạch rộ nên sản lượng mua vào của doanh nghiệp chưa được nhiều.

Cộng thêm giá lúa gạo trong nước tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức cao nên các doanh nghiệp thu mua và khách hàng nước ngoài đều có tâm lý chờ giá hạ nhiệt.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), nhận định ngoài những lý do mùa vụ thì khó khăn trong vấn đề vận chuyển cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2021 sụt giảm.

Việc thiếu hụt container rỗng diễn ra từ cuối năm 2020 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, giá cước vận chuyển tăng cao, gấp 3-4 lần so với trước khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu điêu đứng.

Cụ thể, giá cước thuê container từ Thành phố Hồ Chí Minh đi châu Âu hiện dao động từ 4.000-4.600 USD/container 20 feet, Thành phố Hồ Chí Minh-châu Phi là 3.500-4.000 USD/container 20 feet, Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Đông giao động 1.800-2.400 USD/container 20 feet...

Không chỉ tăng giá, việc đặt container rỗng cũng rất khó khăn, có khi phải chờ hàng tháng và tốn thêm nhiều phụ phí khác.

Theo ông Phạm Thái Bình, giá gạo cao tương ứng với chất lượng thì khách hàng sẵn sàng mua nhưng giá cước vận chuyển tăng quá cao sẽ khiến nhà nhập khẩu cân nhắc việc mua chậm hoặc tìm nhà cung ứng có vị trí địa lý và điều kiện vận chuyển thuận lợi hơn để cắt giảm chi phí.

Do đó, các cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu container rỗng, đưa giá cước vận chuyển về mức hợp lý để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu nói chung.

Kỳ vọng khởi sắc

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và một số tổ chức quốc tế, nhu cầu gạo của thế giới trong năm 2021 sẽ tiếp tục tăng, cầu có thể vượt cung.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2021 sẽ tiếp tục khởi sắc, tín hiệu cụ thể là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, các nước Đông Nam Á, châu Phi tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam.

Thị trường gạo khu vực châu Á cũng sôi động trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng như Trung Quốc và Bangladesh đang tích cực mua vào. Nhiều nước khác có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp là những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), thông tin bên cạnh các diễn biến thị trường tích cực kể trên, gạo Việt còn có thêm cơ hội xuất khẩu vào một số thị trường có ký kết FTA.

Cụ thể, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEUFTA), các quốc gia thuộc khối này cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn gạo trong năm 2021.

Song song với hạn ngạch 80.000 tấn gạo thơm mà EU dành cho Việt Nam mỗi năm theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực ngay từ đầu năm 2021 cũng giúp gạo Việt xuất khẩu vào Anh được giảm thuế về 0% mà không giới hạn về hạn ngạch.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nhận định, năm 2021 xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ thuận lợi hơn năm 2020 nhờ nhu cầu thế giới tiếp tục tăng trong khi năng lực sản xuất lúa gạo trong nước vẫn được đảm bảo.

Vụ sản xuất chính Đông Xuân năm nay nông dân Đồng bằng sông Cửu Long “trúng mùa, được giá” khi dự báo sản lượng sẽ bằng hoặc cao hơn vụ Đông Xuân 2020, giá lúa trung bình đang cao hơn năm trước tới 1.000 đồng/kg (giá lúa thường hiện được thu mua từ 6.500-7.100 đồng/kg, lúa thơm có giá tới 7.500 đồng/kg).

Cuối tháng 2 đến giữa tháng 3/2021 (nửa cuối tháng Giêng âm lịch) là thời điểm nông dân sẽ thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, nguồn cung lúa gạo dồi dào có thể khiến giá lúa, gạo trong nước giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao vì đa phần lúa đã được thương lái chốt giá, đặt cọc từ trước khi thu hoạch.

Về giá xuất khẩu, từ giữa năm 2020 tới nay, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam liên tục đứng ở mức cao và kéo dài qua năm 2021. Trong tháng 1/2021 giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trung bình đạt 550 USD tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai đơn hàng xuất khẩu đầu năm 2021 của Trung An cũng được giao ở mức rất cao; trong đó 450 tấn gạo Jasmine 85 xuất sang thị trường Singapore có giá 680 USD/tấn và 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài được giao cho khách hàng ở Malaysia với giá 750 USD/tấn.

“Sau nhiều năm tái cơ cấu ngành lúa gạo, chất lượng gạo Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới. Giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam hiện nay được xem là cao nhưng thực chất chỉ cao hơn những năm trước, chưa bằng so với gạo cùng chất lượng của các nước khác.

Chỉ một số ít doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu riêng có thể đàm phán được giá xuất khẩu cao hơn hẳn mặt bằng chung. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có chiến lược điều tiết và xây dựng thương hiệu để nâng giá gạo xuất khẩu tương ứng với chất lượng, giúp người trồng lúa nâng cao thu nhập,” ông Phạm Thái Bình phân tích.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đôn cho rằng đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo những năm qua đã giúp nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo đi đúng hướng, tập trung cải tạo đồng ruộng, sử dụng giống chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của khách hàng nên có thể bán được với giá cao.

Nếu như trước đây, chỉ những thị trường cao cấp mới nhập gạo thơm, gạo đặc sản, còn các thị trường khu vực châu Á như Philippines, Malaysia, Trung Quốc chủ yếu nhập gạo thường, có tỷ lệ tấm 15-25% thì hiện nay hầu hết thị trường đều chuyển sang nhập gạo 5% tấm và các loại gạo thơm.

“Chất lượng gạo được nâng lên thì giá xuất khẩu cao hơn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để duy trì được thị phần ở các thị trường truyền thống và thâm nhập tốt thị trường cao cấp hơn như EU, ngành lúa gạo cần đảm bảo chất lượng đồng đều, kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh hạt gạo, doanh nghiệp cần nghiên cứu chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam,” ông Nguyễn Văn Đôn nhấn mạnh./.

TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục