Xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản các tỉnh miền núi phía Bắc

- Ngày 30 - 9, Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Các đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Hiệp hội Gỗ, một số doanh nghiệp chế biến, thương mại gỗ và lâm sản; các doanh nghiệp trồng rừng và đại diện các chủ hộ trồng rừng.

Hội nghị đánh giá thực trạng tình hình phát triển chế biến gỗ, lâm sản và giải pháp thu hút doanh nghiệp hợp tác, liên kết đầu tư vào chế biến gỗ, lâm sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025. Khu vực miền núi phía Bắc là vùng có diện tích rừng sản xuất lớn khoảng 1,5 triệu ha, chiếm 40% diện tích rừng trồng sản xuất cả nước và là vùng trọng điểm gỗ nguyên liệu với gần 700 triệu hộ gia đình tham gia trồng rừng tại 17 tỉnh miền núi phía Bắc, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho gần 800 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, chiếm gần 13% số doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của cả nước.

Tại hội nghị, đại biểu đã trao đổi các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững như: Ổn định diện tích rừng trồng chất lượng cao, rừng gỗ lớn, phát triển diện tích rừng trồng mới áp dụng công nghệ cao… nhằm thu hút các dự án phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, tạo sản phẩm chất lượng và xuất khẩu.

Tại Tuyên Quang, những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển nổi bật. Tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn trên 76.500 ha. Hằng năm trồng mới trên 11.000 ha rừng, sản lượng khai thác trên 1 triệu m3 gỗ rừng trồng, đứng tốp đầu trong cả nước về sản lượng khai thác. Tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, đứng thứ 3 cả nước. Ngành lâm nghiệp tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm, GRDP ngành lâm nghiệp năm 2021 đạt gần 2.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động. Với các lợi thế về đất đai, diện tích rừng quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp lớn, tập trung cùng các chính sách hỗ trợ đầu tư hiệu quả, hiện tỉnh đã có 8 nhà máy chế biến lớn đi vào hoạt động và có trên 300 cơ sở chế biến lâm sản nhỏ là các vệ tinh quan trọng của các nhà máy chế biến gỗ lớn.

Tin, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục