Yêu cầu cấp thiết cho tiêu thụ nông sản các tỉnh phía bắc hiện nay

Hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía bắc đang diễn ra theo đúng kế hoạch mùa vụ với khả năng đáp ứng đủ nhu cầu lương thực nội tỉnh và cung cấp cho các địa phương khác. Tuy nhiên, việc lưu thông, tiêu thụ nông sản lại đang bị tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19, cần được tháo gỡ kịp thời.

Nông dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội thu hoạch lúa. (Ảnh: NGUYỄN QUANG)

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, sản xuất lương thực, thực phẩm tại các tỉnh phía bắc những tháng cuối năm cơ bản bảo đảm nguồn cung.

Cụ thể về lương thực, diện tích gieo cấy lúa năm 2021 ước đạt 2,303 triệu ha, sản lượng ước đạt 13,2 triệu tấn. Trong đó, vụ đông xuân đã gieo cấy 1.086 nghìn ha, năng suất 63,6 tạ/ha, sản lượng 6,9 triệu tấn; vụ mùa và hè thu dự kiến gieo cấy 1.217 nghìn ha, năng suất dự kiến đạt 51,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 6,3 triệu tấn, bảo đảm nguồn cung lúa gạo.

Có một lưu ý là về lương thực, thành phố Hà Nội tự sản xuất chỉ đạt 56.338 tấn/tháng (65,6% nhu cầu), cần cung cấp từ các địa phương khác là 36.632 tấn/ tháng (39,4%), nên cần chủ động có kế hoạch bảo đảm nguồn cung khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sản lượng rau những tháng cuối năm dự kiến sản xuất khoảng 3,9 triệu tấn; sản lượng cây ăn quả cả năm dự kiến 3,07 triệu tấn, đã thu hoạch khoảng 885.000 tấn; sản lượng thủy sản có thể cung ứng ra thị trường trong các tháng cuối năm khoảng 563.834 tấn nên các lĩnh vực này đều không lo thiếu nguồn cung.

Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện nhiều mặt hàng nông, thủy sản của các tỉnh phía bắc cũng đang lo ngại đầu ra. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết: Hiện nay, các sản phẩm nông sản của tỉnh chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh, chiếm 60-70% và một số tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Huế, Đà Nẵng và một số tỉnh phía nam.

Phương thức tiêu thụ chủ yếu thông qua trung gian. Do đặc thù nông sản có số lượng lớn, thời gian bảo quản ngắn, dễ hỏng, nên trong bối cảnh dịch Covid-19 việc lưu thông, vận chuyển gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc tiêu thụ chậm và giá thấp hơn so với những năm trước.

Hiện tỉnh đang tiếp tục đổi mới các hình thức tiêu thụ nông sản theo hình thức mua, bán trực tiếp trên hệ thống chợ, siêu thị...; Đẩy mạnh kết nối theo hình thức gián tiếp như: mạng xã hội (Zalo, Facebook), các sàn giao dịch thương mại điện tử; mời gọi các tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố tham gia tiêu thụ nông sản; Tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông sản.

Là một trong những tỉnh trọng điểm rau màu vụ đông xuân, với dự kiến sản lượng khoảng 700.000- 1 triệu tấn sản phẩm, tỉnh Hải Dương cũng đang nỗ lực cho kế hoạch tiêu thụ.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương Vũ Việt Anh cho biết: Tỉnh đã đề nghị Bộ NN và PTNT cung cấp thông tin và dự báo kịp thời, chính xác nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu để địa phương kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong thời gian tới. Đồng thời, có giải pháp cụ thể giúp Hải Dương tiêu thụ rau vụ đông, tránh bị dư thừa, dồn ứ.

Về lâu dài, các địa phương cần được hỗ trợ xây dựng hệ thống kho lạnh trong chuỗi logistic và công nghệ tồn trữ nông sản để cung cấp dần cho thị trường trong nước và xuất khẩu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía bắc trong điều kiện dịch Covid-19 cho biết: Tổ công tác đã phối hợp Hội đồng Khoa học hợp tác xã Nông nghiệp Số hoàn thiện xây dựng khung hệ thống điều hành cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản khu vực phía bắc.

Hiện tại, Tổ đang cập nhật dữ liệu từ các địa phương gửi về và sẽ triển khai biểu diễn mô hình thí điểm trên cơ sở số liệu tháng 8/2021. Cụ thể, đến hết ngày 26/8, đã có 23/31 địa phương phía bắc cử đầu mối phối hợp với Tổ công tác và cung cấp danh sách 2.093 các đầu mối cung ứng nông sản nhập vào cơ sở dữ liệu.

Trong đó: lúa gạo 181 đầu mối, rau củ quả 436 đầu mối, thịt, trứng gia cầm 505 đầu mối, thủy hải sản 819 đầu mối, sản phẩm chế biến đông lạnh 97 đầu mối, thực phẩm tổng hợp 55 đầu mối. Nhiều địa phương cung cấp thông tin đề nghị Tổ công tác hỗ trợ giới thiệu tiêu thụ các mặt hàng với số lượng cụ thể.

Theo đó, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã phối hợp, cung cấp thông tin và giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu thu mua, phân phối, tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Để phát huy nguồn lực chung và tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ phối hợp Sở NN và PTNT và Sở Công thương Hà Nội để thống nhất các cơ sở dữ liệu từ địa phương, xây dựng một hệ thống chung điều hành thống nhất. Từ đó hỗ trợ kết nối cung - cầu giữa bên bán và bên mua, tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục