Sức bật mới

- Năm 2022, đánh dấu nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thị trường thu hẹp, song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động, vượt khó của ngành Nông nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân, sản xuất nông nghiệp tỉnh tiếp tục gặt hái được những thành công.

Vụ mùa bội thu của bà con nông dân xã Thiện Kế (Sơn Dương).

Thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh; xây dựng hệ thống các kênh thông tin để nắm chắc, kịp thời tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh sản xuất và đầu tư thâm canh gỗ rừng trồng, chè, mía... chủ động nguyên liệu cho công nghiệp chế biến của tỉnh. Sở cũng khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất các mặt hàng nông sản có hợp đồng liên kết, sản phẩm có thị trường tiêu thụ thuận lợi; kết nối, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, sản xuất nông nghiệp tỉnh tiếp tục gặt hái được những kết quả vượt bậc. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 10.364 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, tăng 4,8%; sản lượng lương thực đạt 34,28 vạn tấn, đạt 100,5% kế hoạch; đàn vật nuôi phát triển ổn định, trong đó đàn trâu duy trì trên 91 nghìn con, đàn bò trên 39 nghìn con, đàn lợn trên 570 nghìn con, sản lượng thủy sản ước đạt 10.663 tấn, tăng 8,7% so với năm 2021. Nhóm cây trồng chủ lực như chè, cam, bưởi, lạc, gỗ rừng trồng, mía... được tập trung phát triển đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Năm 2022, toàn tỉnh trồng 11.590,7 ha rừng, đạt 114,8% kế hoạch; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 1 triệu m3, lớn nhất từ trước đến nay; thực hiện duy trì độ che phủ của rừng trên 65%; duy trì và mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hiện đã có trên 3.600 ha cây trồng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 1 trang trại được chứng nhận “Đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP”; 2 trang trại chăn nuôi được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đã có 179 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP từ 3-4 sao. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP tiếp tục được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee...

Đường mẫu nông thôn mới tại xã Thái Bình (Yên Sơn).

Công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng đạt được thành tích đáng ghi nhận. Đã có 54 xã đạt nông thôn mới, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hết năm 2022, có thêm 8 xã đạt nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 62 xã.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tiếp nối thành tích đạt được, năm 2023 ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số; tiếp tục ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; ưu tiên và tập trung phát triển thương hiệu, tạo ra giá trị mới cho các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực và đặc sản. Những đường hướng đề ra sẽ tạo ra sức bật mới, thành quả mới trong mùa xuân 2023.

Tuấn Quang

Tin cùng chuyên mục