Xanh thắm những miền quê

- Mùa xuân đến, những cánh rừng như được khoác lên màu áo mới. Những chồi non lộc biếc nhú lên đầu cành. Để có những khu rừng xanh thắm ấy là biết bao giọt mồ hôi đổ xuống, là công sức của người trồng, người chăm sóc, bảo vệ rừng. Màu xanh ấy đã góp phần làm cho những vùng quê nông thôn mới khởi sắc.

Rừng xanh nơi chiến khu xưa

Tân Trào là xã đầu tiên đạt tiêu chí nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang năm 2014. Giờ đây, khách thập phương đến nơi này sẽ được ngắm nhìn những cánh rừng xanh ngút tầm mắt cùng những con đường bê tông trải dài, sạch đẹp đến từng thôn bản và những ngôi nhà sàn vẫn được gìn giữ theo truyền thống của đồng bào dân tộc Tày...

Toàn cảnh Làng Văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương). Ảnh: Việt Hòa

Tân Trào là địa danh hai lần được Đảng và Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu Giải phóng và Thủ đô Kháng chiến. Tân Trào xưa kia là một vùng rừng núi hiểm trở. Cánh rừng Nà Nưa đã bao bọc, người dân Tân Trào đã chở che cho Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng lãnh đạo nhân dân đứng lên giành lấy chính quyền. Dưới tán rừng xanh ngày nào, đã có những quyết định quan trọng, đúng đắn, kịp thời được Đảng,   Bác Hồ lựa chọn để giải phóng con người, giải phóng dân tộc, đem chính quyền về tay nhân dân.   

Rừng Tân Trào hôm nay mang đến cho miền quê cách mạng những đổi thay, tươi mới. Các tiêu chí nông thôn mới của xã đạt được như thu nhập của người dân, tạo việc làm cho người lao động, xây dựng môi trường sinh thái... đều từ rừng mà có. Nhân dân xã Tân Trào đã nhận thức được tầm quan trọng của việc trồng rừng, giữ rừng và bảo vệ rừng. Người dân ở đây đang nhận khoán, trồng, bảo vệ, chăm sóc trên 400 ha rừng trồng trên diện tích rừng đặc dụng còn trống, trọc theo Dự án 327 và 661. Việc giao đất, giao rừng đặc dụng giúp người dân quản lý được rừng tốt hơn. Rừng cho con người cuộc sống nên giữ rừng là trách nhiệm của mỗi người dân nơi đây. Câu chuyện đốt nương, phá rừng đã không còn xảy ra ở Tân Trào.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tân Trào luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Nông thôn ở vùng quê cách mạng khang trang hơn. Hiện nay, 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện; hệ thống trường học các cấp đều đã đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm; 100% số thôn đạt “Làng văn hóa”, trên 90% hộ dân đạt “Gia đình văn hóa”; 95% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên… Rừng Tân Trào năm xưa đã “chở che bộ đội, vây quân thù”. Còn Tân Trào hôm nay nhờ có rừng mà người dân ấm no, hạnh phúc.

Yêu rừng, rừng yêu ta

Người Tuyên Quang sống cùng rừng, gắn bó với rừng. Đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, họ đã thấy nguồn lợi từ rừng và xác định, con người nếu yêu rừng, chú trọng trồng, bảo vệ rừng thì rừng sẽ không phụ công người.

Rừng bồ đề 4 năm tuổi của người dân thôn Bản Dạ, xã Sơn Phú (Na Hang).

Con đường lên với các thôn của xã vùng cao Sơn Phú (Na Hang) trải dài màu xanh của những cánh rừng. Cách đây gần 10 năm thôi, người dân Sơn Phú chưa chú trọng đến việc trồng rừng, còn đất rừng bị bỏ hoang.  Đất nông nghiệp của xã ít, chỉ 150m2 mỗi nhân khẩu. Phó Chủ tịch xã Sơn Phú Nông Văn Ngân cho biết: Giờ đây, người dân trong xã đã biết được lợi ích từ trồng rừng, trong đó có nhiều hộ giàu lên từ rừng. Toàn xã hiện có trên 12,8 nghìn ha rừng, trong đó rừng sản xuất trong dân hơn 700 ha, còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Xuân này, nhiều hộ gia đình ở Sơn Phú sung túc hơn nhờ kinh tế phát triển, trong đó có đầu tư trồng rừng. Gia đình chị Nông Thị Kim Thoa là một trong những hộ trồng rừng đầu tiên ở thôn Bản Dạ, xã Sơn Phú. Cánh rừng mỡ và keo chu kỳ thứ hai trồng được 4 đến 5 năm tuổi chuẩn bị cho khai thác là nguồn thu nhập không nhỏ của gia đình chị. Tính trung bình mỗi ha cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Cùng thôn Bản Dạ còn có các hộ như gia đình anh Dương Văn Tới trồng 4 ha keo; gia đình anh Dương Văn Hải trồng 3ha... Anh Nông Văn Hải bắt đầu trồng rừng từ năm 2016. Tuổi trẻ của anh Hải đã từng bôn ba khắp nơi để mưu sinh. Rồi cuối cùng, chàng trai sinh năm 1990 này đã trở về và chọn chính quê hương mình để lập nghiệp. Anh bảo, anh sinh ra từ rừng, giờ rừng đã nuôi sống anh, làm cho anh thoát nghèo và làm giàu từ trồng rừng. 3ha rừng keo, bồ đề của anh đã trồng được 4 năm. Mới đây, anh mua thêm hàng chục ha đất và đang đầu tư trồng rừng. Sống trong vùng nguyên liệu gỗ, anh đã đầu tư máy móc để làm gỗ ván ép, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 4-7 triệu đồng/người/tháng.   

Nhận thấy lợi ích từ phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhân dân nhiều xã trong tỉnh đã chuyển đổi từ những cây trồng không hiệu quả sang trồng rừng. Các xã Kiến Thiết, Trung Trực (Yên Sơn) đã chuyển đổi những diện tích trồng dong riềng trước đây sang trồng keo, bạch đàn. Người dân các xã Kim Bình, Tri Phú, Linh Phú (Chiêm Hóa) trước đây chỉ tập trung trồng chuối, thì mấy năm trở lại đây đã chuyển hướng trồng rừng.

Rừng đền đáp cho con người bằng chính nguồn thu nhập từ rừng. Người dân yêu rừng, giữ rừng, không phá rừng làm nương rẫy, không để đất trống đồi trọc.

Người dân xã Phù Lưu (Hàm Yên) tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cùng lực lượng Kiểm lâm địa bàn.

Nông thôn mới trong lành

Sau khi Tân Trào là xã đầu tiên “về đích” nông thôn mới, qua 7 năm, Tuyên Quang hiện có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thành phố Tuyên Quang vừa đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Mỹ Bằng được chọn là một trong 7 xã điểm của tỉnh và là xã đầu tiên của huyện Yên Sơn đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Xã Mỹ Bằng xác định, người dân làm chủ trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó có vươn lên làm giàu. Toàn xã có hơn 1.000ha rừng. Những mô hình trồng rừng ở xã làm cho đời sống người dân ngày càng ổn định và tăng lên, môi trường sinh thái được giữ vững.

Tỷ lệ che phủ rừng của xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) lên đến 75%. Toàn xã hiện có 2.000ha đất rừng sản xuất trong tổng số hơn 2.400 ha đất tự nhiên. Những năm gần đây, do có nhận thức đúng đắn về lợi ích thiết thực từ rừng trồng mang lại, nhân dân ở 9 thôn trong xã đã quan tâm đến phát triển kinh tế rừng. Trung bình, mỗi năm toàn xã trồng được 70ha rừng chủ yếu là keo, bồ đề. Năm qua, các hộ trồng rừng đã cho khai thác gần 70ha keo, trị giá trên 10 tỷ đồng. Trồng rừng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống 7%. 

Trong lần đến thăm và làm việc tại Tuyên Quang và dự Lễ phát động Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ  đã khẳng định, Tuyên Quang là tỉnh miền núi, có nhiều lợi thế về phát triển lâm nghiệp. Những năm qua, Tuyên Quang là địa phương tiêu biểu trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, Tuyên Quang phải gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống và xây dựng nông thôn mới.

Tuyên Quang có thế mạnh về trồng rừng. Toàn tỉnh hiện có gần 423.000ha rừng (rừng tự nhiên trên 233.000ha, rừng trồng hơn 189.000ha), là địa phương có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, chiếm hơn 23% sản lượng khai thác toàn vùng. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 65% và là một trong 3 địa phương có độ che phủ của rừng lớn nhất nước. Đặc biệt, có đến 88% là lực lượng lao động làm việc liên quan đến sản xuất lâm nghiệp. Nhận thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, nhất là về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên. Đời sống của người trồng rừng, bảo vệ rừng được cải thiện.

Khu rừng thuộc lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Cảnh Trực

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVII) ngày 26/6/2021 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030 đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái. Quan điểm của tỉnh là phát triển lâm nghiệp bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế, kế thừa kinh nghiệm của những năm trước đó; quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phục hồi hiệu quả diện tích rừng tự nhiên; bảo tồn, phát huy đa dạng sinh học của diện tích rừng tự nhiên, phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái.

Trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao. Quang cảnh nông thôn mới xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững. Màu xanh no ấm hiện hữu trong mỗi bản làng.

Đức Anh

Tin cùng chuyên mục