Báo động tình trạng người tâm thần phạm tội

- Chỉ tính riêng từ cuối năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận 12 vụ, trong đó, các vụ giết người xảy ra có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với tính chất dã man, nạn nhân chủ yếu là người thân, hàng xóm của họ, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân...

Từ những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng

Thời gian vừa qua, số vụ việc, vụ án do người mắc bệnh tâm thần gây ra với các hành vi như cố ý gây thương tích, gây rối an ninh trật tự, đặc biệt là hành vi giết người có những diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng từ cuối năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận 12 vụ, trong đó, các vụ giết người xảy ra có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với tính chất dã man, nạn nhân chủ yếu là người thân, hàng xóm của họ, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự.

Điển hình như là vụ việc giết người xảy ra ngày 23/11/2019, tại thôn Nà Chúc, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Đối tượng L.T.Th, sinh năm 1989 (là người bị tâm thần phân liệt), sau khi ngủ trưa dậy, thấy cháu Bàn Văn Th, sinh năm 2013, là con riêng của chồng đang chơi ngoài sân, L.T.Th cầm một con dao nhọn đi theo cháu Th. đến vườn mía cách nhà khoảng 70m, khi vào vườn mía L.T.Th dùng dao đâm cháu Th. tử vong.

Đối tượng L.T.Ch, sinh năm 1986, trú tại thôn Như Xuyên, xã Đồng Quý, huyện Sơn Dương, phát hiện bị bệnh tâm thần từ năm 2014, thường xuyên bỏ nhà đi lang thang. Ngày 14/8/2021 khi cả nhà đang nghỉ trưa, L.T.Ch đã dùng dao chém nhiều nhát khiến bố đẻ tử vong tại chỗ.

​Một đối tượng tâm thần bị cơ quan công an bắt giữ sau khi gây án mạng nghiêm trọng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiếm soát hành vi, bởi công tác quản lý người bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, Công an các huyện, thành phố tiến hành rà soát, lập danh sách quản lý người tâm thần trên địa bàn. Đến nay, theo báo cáo của các đơn vị, toàn tỉnh ghi nhận có gần 1.300 người tâm thần, bao gồm người có bệnh án và không có bệnh án. Đây là nhóm đối tượng tiềm ấn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội nếu không được kiêm soát, quản lý chặt chẽ.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Trên thực tế, phần lớn bệnh nhân tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng, là nỗi lo của toàn xã hội. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc bắt buộc cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó chưa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Kể cả khi họ đã gây án, nếu như mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì pháp luật cũng không áp dụng chế tài hình sự đối với người tâm thần.

Để giữ vững trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật; ngăn chặn, không để xảy ra các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do đối tượng tâm thần gây ra, Công an tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chương trình, kế hoạch về phòng, chống tội phạm, trong đó xác định phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật do người bị tâm thần gây ra là một nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy trên địa bàn, tập trung vào các đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”, loạn thần do sử dụng ma túy để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả.

Tuy nhiên, để việc quản lý người tâm thần được toàn diện, hiệu quả; đảm bảo được tính nhân văn, nhân đạo, cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành chức năng, cũng như sự chung tay phối hợp chặt chẽ từ gia đình, chính quyền cơ sở. Hiện nay, việc điều trị, quản lý người tâm thần tại gia đình,cộng đồng còn nhiều bất cập: Một số gia đình biết người thân có biểu hiện tâm thần nhưng cố tình che giấu, không đưa đến các cơ sở y tế. Trong khi, bệnh tâm thần có thể ổn định nếu tuân thủ điều trị duy trì, phát hiện sớm các biểu hiện tái phát và điều trị kịp thời. Thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng được cấp miễn phí và mỗi địa bàn đều có cán bộ phụ trách về sức khỏe tâm thần cộng đồng tại trung tâm y tế.

Bởi vậy, gia đình là yếu tố đầu tiên, đóng vai trò quyết định đối với việc chăm sóc sức khỏe và quản lý người bị tâm thần. Đối với chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, phải rà soát nắm chắc danh sách các trường hợp mắc bệnh tâm thần tại địa phương, hướng dẫn gia đình đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh. Đối với các ngành chức năng cần tập trung thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc điều trị, quản lý, thực hiện các chế độ chính sách bảo trợ xã hội đối với người bị tâm thần.

Do đó, để thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị, giúp đỡ người tâm thần, góp phần phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và toàn xã hội.

Lý Lan
(Công an tỉnh)

Tin cùng chuyên mục