Bắt đầu từ ý thức

- Theo phân tích của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trên 90% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra là do ý thức chủ quan của người điều khiển. Tại Tuyên Quang, chỉ riêng trong tháng 10 đã xảy ra 8 vụ tai nạn, làm chết 5 người, bị thương 4 người. Phân tích nguyên nhân cho thấy, lỗi chính là do người điều khiển phương tiện không chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các vụ tai nạn. Theo đó, các lỗi phổ biến vẫn là đi không đúng phần đường, làn đường quy định, không giữ khoảng cách an toàn, tránh vượt sai quy định. Theo anh Bùi Văn Đạt, giáo viên Trung tâm Dạy nghề-Sát hạch lái xe tỉnh, xây dựng văn hóa giao thông phải xuất phát từ chính việc thay đổi hành vi của mỗi người khi tham gia giao thông. Đó là việc duy trì thói quen ứng xử có văn hóa, tự giác tuân thủ pháp luật. Những năm qua, bộ môn Đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông đã trở thành môn học bắt buộc trong mọi cơ sở đào tạo lái xe. Tuy nhiên, tính tích cực, tự giác của mỗi học viên và người tham gia giao thông mới chính là yếu tố quyết định để hình thành và rèn luyện đạo đức, văn hóa giao thông.

Tài xế xe đầu kéo khắc phục hậu quả sau khi xả rác trên tuyến Quốc lộ 2C.

Không khó để bắt gặp trên đường những hành vi vi phạm giao thông như không đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dừng đỗ xe không đúng quy định, phóng nhanh, vượt ẩu... Nhiều vụ việc vi phạm đã được quần chúng nhân dân phát hiện, ghi lại và phản ánh đến cơ quan chức năng. Mới đây nhất ngày 17-10 vừa qua, một chiếc xe tải không nhường đường cho xe cấp cứu đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ khi cùng lưu thông trên tuyến Quốc lộ 2C, đoạn qua xã Sơn Nam (Sơn Dương) đã gây bức xúc trong dư luận. Trước đó, ngày 7-10, một chiếc xe ô tô đầu kéo, kéo theo sơ mi rơ mooc đã có hành vi đổ rác thải trên đường bộ tại tuyến Quốc lộ 2C thuộc xã Phúc Ứng (Sơn Dương) gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường cũng được phản ánh.

Các vụ việc trên đã được Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh nhanh chóng xác minh, làm rõ. Hành vi của người điều khiển xe tải, xe đầu kéo không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn thể hiện sự ứng xử thiếu văn hóa, thiếu tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Đó cũng là thực trạng báo động trong một bộ phận người dân khi tham gia giao thông hiện nay đang cần được nhìn nhận lại và thay đổi.

Nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí, những tháng cuối năm 2022, Ban An toàn giao thông tỉnh cùng các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trong đó, tập trung tuyên truyền đã uống rượu bia không lái xe, an toàn giao thông cho học sinh đến trường, chung tay bảo vệ kết cấu, hành lang an toàn giao thông. Tuyên truyền, vận động người dân tham gia cuộc thi trực tuyến “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2022; hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông nhằm cảnh báo về thảm họa tai nạn giao thông, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức của toàn dân khi tham gia giao thông... Ngành Giao thông - Vận tải cũng chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông những tháng cuối năm. 

Việc xây dựng văn hóa giao thông chính là tạo thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật. Tai nạn giao thông chỉ có thể giảm khi ý thức của mỗi người tham gia giao thông được nâng lên. Xây dựng văn hóa giao thông còn góp phần tạo cơ sở vững chắc cho nền giao thông hiện đại, an toàn và thân thiện.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục