Đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo nổ

- Gần hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thời điểm này, Công an toàn tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép.

Năm 2021, lực lượng chức năng đã phát hiện 41 vụ với 44 đối tượng vi phạm về pháo, thu giữ trên 150 kg pháo các loại. Theo đánh giá của Công an tỉnh, dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán là thời điểm gia tăng hoạt động vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng pháo nổ trái phép. Bởi pháo nổ được coi là mặt hàng siêu lợi nhuận nên các đối tượng dù biết vi phạm nhưng vẫn cố tình vi phạm. Đối tượng thường vận chuyển pháo lậu bằng xe máy hoặc cất giấu pháo lậu lẫn trong hàng hóa khác vận chuyển trên xe khách, xe chở hàng, rất khó phát hiện. Bọn chúng liên hệ mua, bán pháo lậu qua mạng xã hội gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra xe chở khách chạy tuyến Quốc lộ 2 Tuyên Quang - Hà Nội
nhằm phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển pháo trái phép.

Qua 1 tháng ra quân đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết, lực  lượng Công an đã phát hiện, xử lý 2 vụ với 2 đối tượng về hành vi tàng trữ pháo nổ, thu giữ tổng số 14,3 kg pháo nổ các loại. Gần đây nhất, ngày 10-1, Công an huyện Sơn Dương phát hiện, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Trần Quang Thành, sinh 1999, thôn Thái Thịnh, xã Trường Sinh (Sơn Dương) về hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổ. Tang vật tạm giữ là 6,8 kg pháo các loại, có in nhiều chữ nước ngoài. Tại cơ quan Công an, đối tượng Trần Quang Thành khai nhận đã mua số pháo đó của một người trên mạng xã hội với mục đích sử dụng trong dịp Tết và bán kiếm lời.

Thực tế, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11-1-2021 khiến người dân đang có sự nhầm lẫn, chưa phân biệt rõ giữa pháo hoa và pháo hoa nổ. Theo Trung tá Trương Tiến Thành, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh: Nghị định 137 quy định rõ những nội dung, pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng là loại pháo đã quy định cụ thể tại điểm b, khoản 1, Điều 3. Loại pháo được phép sử dụng cũng được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng “đốt” chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự thì mới được phép sử dụng trong các trường hợp đã quy định cụ thể trong Nghị định 137. Người dân được sử dụng pháo hoa nhưng phải mua tại các cửa hàng, điểm bán của đơn vị được nhà nước cho phép (điểm bán của đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng). Người dân không được tự ý mua pháo hoa về bán.

Ngày 7-1-2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 66/UBND-NC về việc tăng cường thực hiện công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện văn hóa, chính trị trên địa bàn tỉnh trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trái phép nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả, tác hại do vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ gây ra.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục