Xử lý nghiêm các hành vi lạng lách, đánh võng

- Vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng Công an trong tỉnh đã xử lý nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Hành vi không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng rất phản cảm, trở thành mối lo ngại cho người điều khiển phương tiện trên các tuyến đường. Mới đây, Công an huyện Hàm Yên đã triệu tập Trần Văn Cường ở thôn Cây Xoan, xã Đức Ninh không đội mũ bảo hiểm, dùng chân điều khiển xe máy gây náo loạn trên đường Quốc lộ 2. Hiện Công an huyện đang củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng trong cuối tháng 2 vừa qua, Công an huyện Yên Sơn nhận được tin báo của người dân đã nhanh chóng vào cuộc điều tra một thanh niên không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 22B-603.30 lạng lách, đánh võng trên Quốc lộ 2, đoạn qua địa phận xã Tứ Quận. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Yên Sơn đã truy tìm ra ngay đối tượng là Tướng Văn Lập ở thôn Đồng Trò, xã Tứ Quận. Công an huyện đang hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.

Nhiều người vẫn không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường ĐT 185 đoạn qua xã Trung Minh (Yên Sơn).

Thời gian qua, Công an thành phố Tuyên Quang cũng tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng trên các tuyến đường, nhất là trên cầu Tình Húc, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Các đội nghiệp vụ của Công an thành phố đã xử lý khoảng 60 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, bốc đầu phương tiện trên các tuyến đường Tân Trào, Bình Thuận, cầu Tình Húc. Hiện nay, tình trạng này đã giảm hẳn, tạo sự yên tâm cho người tham gia giao thông.

Điều đáng lo ngại là các trường hợp vi phạm tuổi đời còn rất trẻ, chủ yếu là học sinh, chưa đến tuổi điều khiển xe máy. Theo điều tra của công an các huyện, thành phố, các trường hợp vi phạm đều là học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ, người thân, thường là bố mẹ đi làm ăn xa, bố hoặc mẹ mất, ly hôn dẫn đến không quản lý, dạy dỗ các cháu. Vấn đề đặt ra là cần tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng để quản lý, giáo dục học sinh sau này trở thành người có ích.

Cô giáo Trần Thị Năm, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang) nhấn mạnh, thời gian qua, trường cũng nhận được phản ánh của cơ quan công an có học sinh chưa chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Ban Giám hiệu đã phân công giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình, làm việc với cơ quan công an để định hướng, giúp đỡ các cháu nhận thức đầy đủ hành vi sai trái của mình. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhà trường phối hợp các bậc phụ huynh quản lý chặt chẽ việc đi lại của các cháu; tuyên truyền thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp để các em chấp hành nghiêm các quy định về giao thông đường bộ.

Tăng cường giáo dục học sinh tham gia giao thông an toàn là yếu tố quan trọng để hạn chế vi phạm, xảy ra tai nạn, mang đến cho các em cuộc sống tốt đẹp, hướng tới tương lai.

Bài, ảnh: Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục