Cảnh giác trước bẫy lừa đảo

- Những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho thấy, đối tượng xấu đều lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết, lơ là mất cảnh giác của bị hại để thực hiện hành vi phạm tội. Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đa dạng về phương thức, nhất là lừa đảo trên không gian mạng Internet.

6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an toàn tỉnh đã điều tra làm rõ 12 vụ với 12 bị can phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Có thể kể đến trong tháng 5, Công an tỉnh điều tra làm rõ, khởi tố bị can Thạch Văn Giang, trú tại xã Thái Hòa (Hàm Yên) lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng chục người ở các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Tây Ninh... Trước đó, Giang đã lập tài khoản Facebook “Xe Máy Bảy Nga”, “Xe Máy Quang Trường” để đăng thông tin rao bán xe máy cũ. Khi bị hại đồng ý mua xe, Giang yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, khi nhận được tiền, đối tượng chặn Facebook của các bị hại để chiếm đoạt tiền. Đến khi bị Công an bắt giữ, đối tượng Thạch Văn Giang lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại với tổng số hơn 150 triệu đồng.ˆ

Công an xã Hoàng Khai (Yên Sơn) tuyên truyền những phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm
đoạt tài sản cho nhân dân thôn Yên Khánh.

Tháng 9 vừa qua, trên địa bàn thành phố Tuyên Quang ghi nhận trường hợp nạn nhân bị lừa mất 7 tỷ đồng. Nạn nhân bị đối tượng xấu giả danh Công an gọi điện yêu cầu phối hợp điều tra liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền. Nạn nhân được yêu cầu giữ bí mật, chuyển tiền tiết kiệm vào một tài khoản ngân hàng mới do chính mình lập, gửi kèm thông tin cá nhân, tài khoản, mã xác thực OTP cho bọn chúng. Chỉ sau thời gian ngắn, bọn lừa đảo đã rút sạch số tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Vụ việc đang được Cơ quan Công an tỉnh điều tra.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, tội phạm lừa đảo đã lợi dụng triệt để nền tảng mạng xã hội, không gian mạng Internet để phục vụ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng từ tuyển cộng tác viên bán hàng Online; lôi kéo người dân đầu tư các sàn giao dịch tiền ảo; mời cho vay nhanh với lãi suất thấp thông qua Zalo, điện thoại, App (ứng dụng) vay tiền... Hoặc nạn nhân nhận được thông báo trúng thưởng, có bưu phẩm gửi từ nước ngoài về yêu cầu nộp phí hải quan, phí trúng thưởng. Nghiêm trọng hơn, bọn chúng còn giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... gọi điện, làm giả lệnh bắt, khởi tố đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền phục vụ điều tra, sau đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Mặc dù lực lượng chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nhưng qua công tác nắm tình hình của lực lượng Công an vẫn còn nhiều nạn nhân “mắc bẫy” lừa đảo. Số tiền nạn nhân bị chiếm đoạt từ vài trăm nghìn đồng, vài triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Đa số nạn nhân vì sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết và khi đã biết bị lừa đảo cũng không đi trình báo Cơ quan Công an do sợ mất uy tín cá nhân, xấu hổ... gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý.

Trung tá Đỗ Mạnh Phú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh khuyến cáo: Những tài khoản ngân hàng được đối tượng sử dụng phục vụ lừa đảo đều là tài khoản không chính chủ. Đề nghị công dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên tuyệt đối không cho mượn, thuê hoặc bán tài khoản ngân hàng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể tiếp tay cho tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần cảnh giác khi nhận những cuộc gọi, tin nhắn lạ, tuyệt đối không cung cấp, để lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các ứng dụng tài khoản ngân hàng, mạng xã hội. Khi nghi ngờ, phát hiện hành vi lừa đảo đề nghị công dân hãy thông báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp xác minh, hỗ trợ giải quyết kịp thời.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục